Hiện đại hóa tàu cá trong chiến lược phát triển thủy sản

01:08, 31/08/2011
.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu xây dựng nghề cá hiện đại, bền vững. Do vậy, việc phát triển các tàu cá hiện đại là điều tất yếu.

Sơ chế cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: VNP
Sơ chế cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: VNP
Chiều 30/8, tại Hà Nội, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức hội thảo “Hiện đại hóa tàu cá” bàn giải pháp phát triển các đội tàu đánh cá xa bờ, đảm bảo cho nghề khai thác hải sản hoạt động an toàn và đạt hiệu quả cao trên các vùng biển.

Theo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện tại, đội tàu đánh cá nước ta có khoảng 130.000 chiếc, trong đó có khoảng 64.000 chiếc có công suất trên 20 CV và khoảng 52.000 chiếc trên 90 CV. Tuy nhiên, ngay cả một số tàu trang bị máy lớn và hoạt động cách bờ hàng trăm hải lý vẫn không đúng quy chuẩn về kết cấu, thiếu trang thiết bị.

Còn theo ông Chu Tiến Vĩnh, Tổng cục phó Tổng Cục Thủy sản, hiện nay Việt Nam đang bị thất thoát 30% sản lượng khai thác vì không có nơi bảo quản cá trên tàu đúng quy chuẩn.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết nguyên tắc phát triển tàu cá hiện đại là ưu tiên hiện đại hóa tàu cá xa bờ, trong đó trọng tâm là khối tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa, các tàu cá làm các nghề có giá trị kinh tế cao, các tàu cá tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền trên biển.

Theo ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý tàu cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành thủy sản cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như nghiên cứu và công bố áp dụng các tiêu chuẩn đóng tàu, kỹ thuật về trang thiết bị, kỹ thuật quản lý vận hành, định mức về an toàn lao động trên tàu cá, phát triển nguồn nhân lực có thể quản lý, vận hành được tàu cá hiện đại.

Ông Chu Tiến Vĩnh khẳng định, cần phải hiện đại hóa chứ không thể xây dựng một đội tàu mới hoàn toàn. Đi kèm với việc hiện đại hóa tàu, cần điều tra đánh giá nguồn lợi để hướng dẫn ngư trường, đánh giá ngư trường cho từng tỉnh.

Lãnh đạo Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng cho rằng phát triển đội tàu cá hiện đại cần được tiến hành song song giữa việc cải tạo, nâng cấp các tàu hiện có và đóng mới các tàu hiện đại. Bên cạnh đó, đội tàu cá hiện đại cần được thực hiện theo hướng tiến tới xây dựng các nghiệp đoàn đánh cá hoạt động theo hình thức công nghiệp. Các cơ chế chính sách quản lý, bảo hộ hoạt động của ngư dân trên biển cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ cho tàu cá cũng cần phải được xây dựng đồng bộ.

Còn theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ chế, hiện nay nhà nước đã tạo điều kiện từ chính sách đào tạo cho ngư dân, đầu tư cho điều tra nguồn lợi thủy sản… Một trong những vấn đề quan trọng để hiện đại hóa tàu cá là đưa được chính sách hỗ trợ đến tay ngư dân.

Việc phát triển tàu cá hiện đại nên được thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nguồn vốn của Nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá: cảng cá, trạm thông tin, phương tiện cứu hộ, cứu nạn… hình thành các dịch vụ về thông tin ngư trường, nguồn lợi, phát triển nguồn nhân lực, thiết kế và đóng tàu mẫu cũng như cho ngư dân vay vốn đóng tàu, nâng cấp các cơ sở đóng tàu, sản xuất các trang thiết bị trên tàu.

Ông Chu Tiến Vĩnh cũng cho rằng, cần phải ban hành thiết kế chuẩn cho mỗi loại tàu phù hợp với từng loại nghề và vùng hoạt động của tàu. Với thiết kế theo quy chuẩn, việc đào tạo ngư dân để sử dụng những thiết bị trên tàu như thế nào cũng cần được tính tới.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần nghiên cứu để ban hành cơ chế cử tuyển và hỗ trợ con em ngư dân đi học, thay vì thi tuyển như hiện nay.
 
Theo VGP

.