Sơn Tây: Thi đua xóa nghèo

07:07, 28/07/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững; công tác giảm nghèo ở huyện Sơn Tây đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sự quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo của chính quyền và người nghèo, đã biến cuộc "vượt nghèo" thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp…
 

TIN LIÊN QUAN


Phong trào phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Sơn Tây vận dụng tối đa vào công tác xóa đói giảm nghèo. Các già làng từ thôn, xóm, khu dân cư của huyện Sơn Tây hầu hết đều là những người giỏi làm kinh tế và lấy chuyện  nuôi con gì, trồng cây gì để vận động nhân dân. Không ở đâu như ở Sơn Tây, các khu dân cư đều được gắn liền với tên tuổi của già làng trưởng bản.

Trâu xóa nghèo của đồng bào dân tộc Ca Dong ở xã Sơn  Bua (Sơn Tây).
Trâu xóa nghèo của đồng bào dân tộc Ca Dong ở xã Sơn Bua (Sơn Tây).


Ở xã Sơn Bua, hiện nay từng cụm khu dân cư đều được xây dựng "hệ thống" già làng uy tín và được gắn cho tên gọi của "xóm". Cả xã có 3 thôn là Mang He, Nước Tang, Mang Tà Bể với gần 400 hộ gia đình, khoảng 1.000 nhân khẩu và hàng chục "xóm". Mỗi xóm có từ 7 đến vài chục hộ gia đình và mang tên gọi của già làng xóm ấy. Thôn Mang He có xóm Ông Dưa, Ông Rin, Ông Tâm; thôn Nước Tang có xóm Ông Miêng, Ông Lập; thôn Mang Tà Bể có xóm Ông Núi, Ông Cốt… Vì thế, những người già làng ở đây luôn ý thức, tâm huyết về công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xóm mình. Họ đoàn kết nhân dân, tìm biện pháp chia sẻ, giúp đỡ, để người nghèo xóm mình thi đua vượt lên, xóa nghèo, làm giàu nhanh và bền vững hơn các xóm khác trong xã, trong huyện. Từ đó tạo ra phong trào "cạnh tranh" xóa nghèo thật sự, góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo.

Cũng nhờ sát sao, gần gũi nhân dân mà những già làng trưởng bản đã phát hiện những việc làm không đúng đường lối, chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo của người dân để báo cáo, phản ánh đến chính quyền. Và ngược lại, những chính sách, biện pháp giảm nghèo của chính quyền không thực tế, hiệu quả, các già làng đã kịp thời phản hồi lại chính quyền các cấp để có biện pháp chỉnh sửa, thay đổi, tháo gỡ. Cách làm này thực tế đã "giám sát" nhân dân, không để xảy ra chuyện bán bò hỗ trợ, bỏ cây hỗ trợ như một số địa phương khác trong tỉnh. Hơn hết, cách làm này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân, tăng cường trách nhiệm cộng đồng, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Sơn Tây đã có nhiều kiến nghị và những kiến nghị "chính đáng" đã được cấp trên tiếp thu, điều chỉnh. Đơn cử như việc kịp thời đề xuất bổ sung các địa phương chia tách sau khi thực hiện Chương trình 30a vào danh sách những xã được thụ hưởng chương trình; đề nghị tăng mức hỗ trợ mua bò giống, heo, dê giống. Năm đầu tiên thực hiện việc hỗ trợ bò giống, dự toán cấp mỗi con bò 3 triệu đồng; sau đó địa phương đề xuất tăng lên 5 triệu. Thế nhưng qua thực tế chăn thả, con bò giá 5 triệu quá nhỏ, khó nuôi, chậm lớn. Các xã lại đề xuất, giảm lượng tăng chất và hiện nay trong đợt chuẩn bị cấp phát bò giống tới đây, mỗi con bò cấp cho hộ nghèo trị giá tới 10 triệu đồng. Ông Cao Văn Chung  - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua nói: "Với con bò 10 triệu, chúng tôi tin rằng trong quá trình nuôi, người dân sẽ không để xảy ra chuyện bò chết, gây thất thoát, lãng phí kinh phí hỗ trợ".

Ở huyện Sơn Tây, mặc dù không có "luật" nhưng chuyện người nghèo lười lao động, nếu đã vận động thuyết phục nhiều lần mà không thay đổi, thì sẽ không được xem xét hỗ trợ sản xuất. Đã có nhiều trường hợp, mặc dù hoàn cảnh rất nghèo, chính quyền, cán bộ, già làng vận động, thuyết phục bỏ rượu tập trung làm ăn nhưng không nghe, nên không được nhận hỗ trợ bò giống, cây giống; hỗ trợ khai hoang ruộng lúa nước… Những hộ nghèo "có tiềm lực" chăm chỉ lao động được khu dân cư bình xét hỗ trợ trước. Nhờ hăng say lao động, sau khi nhận hỗ trợ cây con giống, các hộ này đã bứt phá đi lên. Nhiều hộ sau hai năm nhận hỗ trợ bò giống, đến nay bò đã đẻ lứa đầu, mì giống hỗ trợ đã cho thu hoạch. Điển hình như chị Đinh Thị Phiên ở Sơn Bua, Định Thị Nhọ ở Sơn Lập; Đinh Văn Dui ở Sơn Màu… Họ chính là tấm gương để những hộ nghèo khác nhìn vào học tập, tạo sức lan tỏa trong công cuộc thi đua xóa nghèo rộng khắp trong toàn huyện.

Theo thống kê của huyện Sơn Tây, nhờ cách làm này mà tỉ lệ con giống, cây giống hỗ trợ giảm nghèo phát huy tác dụng, tỉ lệ chết, thất thoát rất thấp. Mọi "tình hình" chăm sóc, nuôi trồng này đều được già làng, người có uy tín địa phương cung cấp cho cán bộ, để có biện pháp nhắc nhở, động viên nhân dân. Những hộ bò chết, hoặc bán bò, để cây giống chết khô mà không trồng thì ngoài việc bị kiểm điểm công khai tại khu dân cư còn bị "cắt" hỗ trợ giảm nghèo trong 3 năm. Với cách này, công tác giảm nghèo ở Sơn Tây đã và đang tạo ra tín hiệu vui, góp phần làm giảm cái nghèo đeo bám dân làng suốt những năm qua.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.