(QNg)- Dưới chân núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ) trong những ngày này đồng bào Hrê đang hối hả ra đồng dọn bờ, cuốc góc xuống giống vụ hè thu. Đồng bào dân tộc nơi đây đang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều vụ mùa qua năng suất lúa khá cao, góp phần ổn định cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Bận rộn ngày mùa
Cánh đồng Nước Lá ngày mùa khá tất bật. Từ mờ sáng, đồng bào đã lùa trâu, vác cày ra ruộng. Trên những cánh đồng người đánh trâu cày, bừa, người cuốc góc làm bờ, bón phân lót. Ông Phạm Văn Đoái, cho hay: "Vụ đông xuân được mùa nên bà con phấn khởi vì có lúa ăn. Bây giờ vào vụ hè thu, nghe huyện phổ biến lịch thời vụ, mình lo làm đất, xuống giống cho kịp vụ, chứ chậm trễ, cuối vụ trời mưa gió thu hoạch khó khăn".
Đồng bào Ba Vinh sản xuất lúa nước. |
Ở thôn Nước Lá, trong khi đàn ông ra đồng làm đất, thì các mẹ, các chị lo ngâm, ủ giống. Chị Phạm Thị Thao, bảo: "Hồi trước, bà con gieo mạ rồi cấy. Cây lúa khá tốt nhưng tốn công nhiều. Bây giờ, được Trạm khuyến nông huyện hướng dẫn nên bà con mình sạ giống trực tiếp xuống ruộng. Muốn giống nhanh lên thì phải ngâm, ủ giống thật kỹ".
Đồng bào Ba Vinh đã biết áp dụng kỹ thuật để sản xuất lúa nước. Trước khi xuống giống bà con dọn cỏ bờ, cày ngâm ải đất, bón lót phân... Nhờ làm tốt khâu xuống giống, bón phân, chăm sóc nên nhiều mùa vụ qua, hơn 350 ha ruộng lúa nước ở các cánh đồng Ba Vinh đều đạt năng suất cao. Riêng vụ đông xuân vừa qua bà con đã thu hoạch đạt năng suất gần 50 tạ/ha.
Ông Phạm Văn Truyền. thôn Nước Lá, cho biết: Bà con biết sản xuất lúa nước từ thời chống Pháp, chống Mỹ. Ngày đó, trên những cánh rừng bạt ngàn xanh của dãy núi Cao Muôn là nơi "che bộ đội", du kích địa phương. Dưới những chân núi là những thửa ruộng lúa tươi tốt mà đồng bào Hrê bỏ công chăm bón để có lương thực nuôi bộ đội. Có hộ đồng bào đã góp cho bộ đội từ 200 - 300 ang lúa. Sau ngày giải phóng, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi thôn ở Ba Vinh một đôi trâu, 4 ang giống. Khi có sức kéo, làng trên xóm dưới huy động lực lượng đắp đập bổi chặn con suối Nước Sung, Nước Lá đưa nước về đồng sản xuất. Vụ nào lúa cũng tốt và Ba Vinh trở thành vựa lúa của huyện Ba Tơ.
*Tạo nguồn sinh mạch từ rừng
Trong câu chuyện kể về trồng lúa nước, ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh tự hào: Nắng kéo dài. Nhiều cánh đồng ở Ba Tơ thiếu nước. Đồng bào phải gieo sạ khô. Nhưng, ở những cánh đồng Ba Vinh nước vẫn dồi dào. Có được như thế là nhờ những năm qua, xã chú trọng việc bảo vệ rừng và thông qua nguồn kinh phí của cấp trên đã xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi để đưa nguồn nước về đồng, đảm bảo cho bà con sản xuất lúa nước 2 vụ/năm.
Ở Ba Vinh bây giờ bạt ngàn màu xanh của rừng. Ngoài diện tích rừng tự nhiên giữ chức năng phòng hộ, thì toàn xã có hơn 1.100 hộ dân, bình quân mỗi hộ có từ 0,5 ha - 2 ha rừng. Cá biệt có những hộ trồng đến 10 ha rừng. Nhà nhà trồng rừng, nên trên các dãy núi đã phủ màu xanh bạt ngàn, như lá chắn bảo vệ đất đai, làng mạc, tạo nên nguồn sinh mạch, khơi thông những dòng nước mát. Trên những con suối Nước Sung, Nước Lá, Nước Gia trước đây dân đắp đập bổi, giờ được thay bằng đập kiên cố. Con đập Giao Thủy 1, Giao Thủy 2, đập Mường Gò, Mang Voang... đã đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho gần 350 ha lúa sản xuất quanh năm.
Cây lúa tốt đã đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển nghề trồng rừng, chăn nuôi, nên cuộc sống của người dân xã Ba Vinh khá dần lên. Bây giờ, ở Ba Vinh hầu như nhà nào cũng có tivi, xe máy và các vật dụng đắt tiền. Nhiều nhà cho con ăn học lên cao đẳng, đại học.
Ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, cho biết thêm: Trong những năm qua, xã khuyến khích bà con trồng keo nguyên liệu, áp dụng kỹ thuật sản suất lúa nước, chăn nuôi nên đã cải thiện đời sống cho bà con. Trong năm 2012 xã phấn đấu giảm 55 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo xuống còn 444, chiếm 40,3% số hộ trong toàn xã. Muốn vậy, việc trước tiên phải được mùa lúa để đồng bào đủ ăn, rồi thông qua việc trồng rừng, chăn nuôi gia súc gia cầm cuộc sống của bà con sẽ khá lên.
MAI HẠ