Lý Sơn: Tỏi rớt giá, nông dân bán tỏi non

02:12, 11/12/2011
.

(QNĐT)- Từ đầu năm 2011 đến nay giá cả, sức tiêu thụ của mặt hàng tỏi Lý Sơn đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do vì lợi ích trước mắt một số tư thương địa phương vận chuyển tỏi từ đất liền về đảo để trà trộn với tỏi địa phương tiêu thụ dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN
Có mặt tại chợ huyện Lý Sơn vào những ngày cuối năm mới thấy hết nỗi vất vả của bà con nông dân trồng tỏi. Ngay từ sáng sớm tại khu chợ trung tâm này đã có hàng chục tấn tỏi khô của người dân địa phương được đem ra bày bán, với chủng loại to, nhỏ khác nhau.

 

Tiếp xúc với chúng tôi bà Lê Thị Tươi- một nông dân ở thôn Đông xã An Vĩnh chỉ vào bao tỏi của mình đem ra chợ bán ngao ngán lắc đầu: Thời điểm này năm ngoái hai chục ký tỏi khô bán được gần 2 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ bán được chưa đến 500 ngàn đồng. Nông dân chúng tôi làm được củ tỏi đã khổ nhưng mang tỏi ra chợ tiêu thụ cũng khổ không kém, bán được bao tỏi mất gần nửa ngày, còn bị tư thương trả treo thêm bớt. Không bán thì tỏi hư không có tiền mua gạo, mà bán một bao tỏi cũng chỉ mua được bao gạo, không biết từ đây cho đến vụ thu hoạch tới gia đình tôi lấy gì để sinh sống.

Nông dân đảo Lý Sơn đang thu hoạch tỏi.
Nông dân đảo Lý Sơn đang thu hoạch tỏi.


Theo quan sát, tuy mới vào thời điểm này nhưng tại khu chợ huyện đã có hàng chục hộ nông dân phải nhổ tỏi non của gia đình đem ra chợ bán để chuyển vô đất liền cung cấp cho các nhà hàng chế biến những món ăn đặc sản.

Những bó tỏi lá xanh mướt, thân bằng ngón tay đang trong giai đoạn phát triển tạo củ được bó thành từng lọn nhỏ bán với giá 20 ngàn đồng/kg.  

Bà Phạm Thị Lan- một nông dân ở thôn Tây, xã An Hải thì giơ bó tỏi được bó cẩn thận còn nguyên rễ lá buồn bã cho biết: Không nhổ tỏi non bán thì không có tiền mua gạo, nhổ thì tiếc đứt ruột. Thời điểm này năm ngoái gia đình bà còn trên 2 tạ tỏi khô bán với giá trên dưới 100 ngàn đồng/kg, đủ lo cái tết và các khoản chi phí sinh hoạt cho gia đình, nhưng năm nay tỏi khô của niên vụ trước chỉ có giá từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg nhưng không có người hỏi mua, mà nếu có mua thì cứ 10 kg họ lại trừ bì 2 kg. Còn tỏi non nhổ về còn nguyên rễ lá cũng được bán với giá 20 ngàn đồng/kg, nên vụ tỏi này gia đình bà đã nhổ gần 2 sào tỏi non để bán để kiếm tiền mua gạo và trang trải nợ nần.

Theo tính toán của bà Lan, với giá tỏi khô như hiện nay thì một sào tỏi sau khi thu hoạch phơi khô cũng chỉ bán được trên dưới 10 triệu đồng, nhưng một sào tỏi non vụ này nhổ về được khoảng 800 kg, giá bèo cũng bán được 14 đến 16 triệu đồng/ sào, vừa không lo các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, vừa vớt vát chút vốn đầu tư cho sản xuất.

Cơ sở chế biến và kinh doanh tỏi Dương Quận, ở thôn Đông xã An Vĩnh là một trong hai cơ sở lớn, chuyên chế biến, đóng bao bì và bao tiêu sản phẩm tỏi của bà con nông dân. Tại đây, thời điểm này năm ngoái hàng chục nhân công luôn bận rộn ngày đêm với công việc chế biến và vô bao bì để bao tiêu sản phẩm, vậy mà năm nay cơ sở này đang có nguy cơ phải đóng cửa.

Bà Ngô Thị Chung- chủ cơ sở cho biết: Cơ sở của bà hiện trong kho còn trên 10 tấn tỏi khô của niên vụ 2010 -2011 không thể tiêu thụ được, nếu từ nay đến cuối tháng chạp âm lịch mà không tiêu thụ thì coi như mất trắng vì tỏi mọc mầm, hư thối.

Nỗi buồn của nông dân khi đem tỏi đi tiêu thụ.
Nỗi buồn của nông dân khi đem tỏi đi tiêu thụ.


Trao đổi với chúng tôi, Ông Trương Nghĩa- Chủ tịch Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hành, tỏi Lý Sơn cho biết: Tỏi rớt giá, mất thương hiệu là do vài năm trở lại đây, một số hộ dân là người địa phương đã đem giống tỏi Lý Sơn vào gieo trồng tại xã Ninh Hiển – tỉnh Khánh Hòa. Sau khi thu hoạch, số tỏi này được người dân vận chuyển về Lý Sơn để bảo quản và tiêu thụ tại địa phương.

Lợi dụng sự giống nhau về kích thước và màu sắc nên một số tư thương địa phương đã mua và trà trộn với tỏi Lý Sơn để bán kiếm lời, do đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của thương hiệu tỏi Lý Sơn đối với người tiêu dùng.

Xây dựng được thương hiệu đã khó, việc bảo vệ thương hiệu lại càng khó hơn, bởi cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Thế nhưng chỉ vì lợi ích cỏn con một số người dân đã đan tâm phá bỏ mọi thành quả, nỗ lực của cộng đồng và chính mình.

Thương hiệu tỏi Lý Sơn bị trà trộn, ảnh hưởng đến chất lượng đã đẩy hàng ngàn hộ nông dân trồng tỏi trên đảo lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng. Với họ cây tỏi truyền thống bao đời nay của cha ông luôn được mệnh danh là cây ăn nên làm ra, thì giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh.
                                                                                                           

Văn Mịnh


.