(QNĐT)- Kể từ khi được công nhận thương hiệu vào cuối tháng 8.2010, đến nay, diện tích của cây quế trong toàn huyện đã tăng gấp đôi và gần 6 lần so với năm 2007. Ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, phấn khởi cho biết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Rộn ràng mùa trồng quế
Thời điểm này đang là vụ trồng quế của người dân miền núi Trà Bồng. Trên sườn núi ở xã Trà Thủy, chị Hồ Thị Phước (36 tuổi), người dân địa phương, khoe: Ngoài 1ha hiện có, vụ năm nay gia đình sẽ trồng thêm khoảng 2000 cây nữa.
Tại chân núi khác ở xã Trà Sơn, anh Hồ Văn Hơn (38 tuổi), hồ hởi: Gia đình hiện có tổng cộng gần 20.000 cây. Và hiện khoảng 1/2 trong số đó, đã cho thu hoạch. Với giá quế vỏ đã tăng nên vụ năm nay sẽ tiếp tục trồng thêm 2.000 cây.
Người dân đang thu hoạch quế. |
Sau khi được công nhận thương hiệu và giá quế bắt đầu tăng lên, hàng ngàn hộ gia đình ở Trà Bồng, đã trồng quế trở lại. Cũng như cây tỏi, hành ở Lí Sơn, với Trà Bồng, ngoài là loại cây trồng truyền thống và chủ lực, quế được xem là biểu tượng cho đất và người nơi đây.
Đưa tay vuốt chùm râu bạc, già Hồ Văn Son (63 tuổi), ở xã Trà Sơn, chậm rãi: Người khác thì không biết, nhưng với đồng bào Cor ở địa phương thì quế là loại cây trồng không thể thiếu của mỗi gia đình. Nhà ít thì trồng vài chục cây ở quanh vườn, còn nhiều thì lên đến hàng chục ngàn cây.
Những năm của thập kỉ 90, được xem là thời vàng son của cây quế, với giá quế vỏ có lúc lên trên 45.000 đồng/kg. Theo đó diện tích cây quế lên đến 10.000ha. Thế nhưng đến khoảng năm 2000, thì giá quế bắt đầu tụt dần đến mức thảm hại, có lúc chỉ còn từ 12-16.000 đồng/kg, nên người dân đã ồ ạt chặt bỏ.
* Vui nhiều, nhưng lo cũng không ít
Ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tâm sự: Chỉ sau 1 năm kể từ khi được công nhận thương hiệu, giá quế vỏ tăng lên từ 4000-5000 đồng/kg. Theo đó diện tích quế của địa phương cũng tăng lên nhanh chóng.
Nếu như năm 2007, diện tích trồng quế của huyện chỉ là 350 ha, thì hiện đã tăng lên trên 1.800 ha. Trong đó nhiều nhất là xã Trà Sơn trên 416ha; Trà Thủy, khoảng 395ha; Trà Hiệp trên 300ha; Trà Bùi, gần 280ha...
Vào mùa trồng quế năm nay, ngoài người dân tự ươm, từ nguồn kinh phí ngân sách, UBND huyện đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để ươm và mua khoảng 6 triệu cây quế giống cấp cho người dân các xã trồng trên diện tích khoảng 1.700 ha.
Cùng với niềm vui vì cây quế đã hồi sinh, là nỗi lo trong việc giữ ổn định cho loại cây trồng này, ông Sương bày tỏ.
Quế khô đang được sắp xếp lại để chở đi bán |
Được biết từ nhiều năm trước, chính quyền Trà Bồng cũng đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu mua, chế biến quế. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân nên hiện trên địa bàn chỉ có một cơ sở duy nhất thu mua và chế biến sản phẩm của cây quế, đó là Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng.
Ông Nguyễn Đức Lương- Giám đốc doanh nghiệp này, cho biết: Giá quế khô bình thường hiện được mua từ 20.000-21.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.500 đồng/kg, so với năm trước. Vụ thu hoạch 2011, cơ sở đã thu mua của người dân được trên 800 tấn quế khô, nhiều gấp đôi so với năm 2009.
Tuy nhiên trong thời gian đến, với diện tích quế đã tăng lên nhiều như vậy thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Bởi lẽ ngoài nguồn vốn hạn chế, mặt bằng sản xuất quá hẹp nên rất cần sự hỗ trợ từ các cấp ngành của huyện, tỉnh.
Công Hoàng