Quảng Ngãi: Cuối mùa biển

02:10, 07/10/2011
.

(QNg)- Bây giờ đã cuối mùa biển. Ngư dân trong tỉnh tranh thủ ra khơi đánh bắt hải sản kiếm thêm tiền chi phí trong mùa biển động. Năm nay bên cạnh thiên tai, "nhân tai" vẫn luôn rình rập ngư dân khi  đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và địa phương, ngư dân Quảng Ngãi đã phát huy tinh thần đoàn kết thông qua việc thành lập tổ đội đánh bắt hải sản, nên hiệu quả đánh bắt vẫn đạt cao.
 

Cuối tháng 9, chúng tôi về cửa biển Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn), trên bến cảng  tàu thuyền của ngư dân các huyện Lý Sơn, Sơn Tịnh và Bình Sơn vào ra tấp nập. Ngư dân Lê Minh Vương, xã An Vĩnh (Lý Sơn) nói: "Mùa biển năm nay so với năm ngoái lượng hải sản đánh bắt được cao hơn nhiều. Cuối mùa biển nhưng sản lượng đánh bắt vẫn đạt hiệu quả cao, nên bà con ngư dân phấn khởi". Nhìn những con cá mó, cá mú, cá hồng chuyển từ khoang  tàu lên  bờ, chủ tàu lẫn ngư dân đều vui.
 
Mùa cá ở Lý Sơn
Mùa cá ở Lý Sơn.

 Trong khi đó ở vùng biển Tư Nghĩa cũng khá tấp nập. Dưới sông Tân Mỹ, tàu thuyền Nghĩa An và Nghĩa Phú từ ngoài khơi trở về, tiếng máy nổ rộn vang khúc sông dài. Trên bến tàu có khá nhiều xe đông lạnh từ các nơi đổ về chở cá. Ngư dân Hoàng - thôn Tân Mỹ xã Nghĩa An phấn khởi, cho biết: "Chuyến biển cuối mùa nghĩ là ra khơi đánh bắt kiếm thêm ít nhiều đỡ phần chi tiêu trong những tháng biển động.
 
Vậy mà chuyến biển này trúng cá đến bất ngờ, tính ra hơn 12 tấn cá. Trừ chi phí anh em bạn chài mỗi người cũng kiếm được từ 5-6 triệu đồng". Tàu anh Hoàng có công suất 80CV làm nghề lưới chuồn. Từ đầu năm đến nay tàu anh Hoàng đã ra khơi 11 chuyến. Nhờ biển êm, mà chuyến nào trở về cá cũng đầy khoang. Bình quân mỗi chuyến đánh bắt được từ 10 -12 tấn cá. Có chuyến lên đến 14 - 15 tấn. Nhờ vậy mà anh em bạn chài cũng có cuộc sống khá hơn.

Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Theo kế hoạch năm 2011, ngư dân trong huyện đánh bắt phải đạt sản lượng 45.000 tấn. Tuy từ đầu năm đến giờ biển êm, sóng lặn, nhưng ngư dân lại đối diện với cảnh bị tàu nước ngoài đe dọa (dù rằng ngư dân đánh bắt hải sản trong vùng ngư trường của Tổ quốc) và đối diện với giá dầu tăng cao. Trong khi đó giá hải sản có tăng nhưng không kịp với giá dầu. Chính quyền địa phương đã phát huy tinh thần đoàn kết ở các tổ đội sản xuất, nên đánh bắt hải sản đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó ngư dân ở các địa phương cũng cải tiến cách đánh bắt bằng cách gom hải sản từ nhiều tàu đánh bắt hải sản qua một tàu để chuyển vào bờ, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian; đồng thời đưa nhiên liệu ra khơi để cung cấp cho cả đoàn... Nhờ vậy mà nhiều tàu thuyền đã trở về an toàn và thu nhiều hải sản từ khơi xa sau một mùa biển. Đến thời điểm này ngư dân Tư Nghĩa đã khai thác trên 40.000tấn (hơn 88% kế hoạch năm). Quãng thời gian còn lại, mặc dù trong mùa biển động nhưng ngư dân tiến hành đánh bắt hải sản vùng ven bờ, nên vẫn có thể đạt được kế hoạch cả năm.

Ở huyện đảo Lý Sơn năm 2011 nhiều tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng ngư trường quần đảo Hoàng Sa dù gặp nhiều khó khăn, nhưng qua thống kê đến thời điểm này, ngư dân trong huyện đánh bắt được hơn 23.000 tấn hải sản, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2010, đạt hơn 78% kế hoạch năm. Riêng nghề lặn biển trong vòng 3 tháng gần đây nhiều tàu thuyền đã trúng đậm, có tàu thu nhập đến 1,7 tỷ đồng đến 1,8 tỷ đồng, góp phần tăng sản lượng đánh bắt trong năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khai thác 9 tháng năm 2011 ước đạt 90.714 tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 98,1% kế hoạch (khai thác trên biển 90.338 tấn, khai thác nội địa 376 tấn). Sản lượng hải sản tăng so với năm 2010 là nhờ thời tiết thuận lợi, liên tục được mùa cá; giá nguyên liệu tăng cao đã kích thích người dân tăng cường khai thác.

Mùa mưa bão đang đến gần, tại các bến cảng Sa Kỳ (Bình Châu),  Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) nhiều ngư dân tranh thủ vận chuyển nhiên, nguyên liệu lên tàu tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản. Họ kỳ vọng vào chuyến biển cuối mùa đem lại nhiều hải sản để có được cuộc sống no đủ trong mùa đông và tiếp tục tu sửa tàu thuyền bước vào mùa biển mới năm sau.

Bài, ảnh: Mai Hạ

.