Nuôi chim yến - Nghề "hái" ra vàng ở Quảng Ngãi

03:01, 03/01/2010
.

Vốn đầu tư khá lớn đòi hỏi kĩ thuật, kiến thức hiểu biết và cả sự may mắn… tuy nhiên bù lại, lợi nhuận kinh tế cao. Vì thế việc nuôi chim yến đã và đang có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người dân TP Quảng Ngãi và miền Trung.

Nghề mới

Phải "năm lần bảy lượt" "năn nỉ, ỉ ôi", anh Phan Văn Vui, ở phường Nghĩa Chánh, một trong số người đi tiên phong và đã đạt được kết quả trong việc này mới miễn cưỡng đồng ý cho tôi được tận mắt tham quan nơi nuôi chim yến của mình. Từ những hướng dẫn ít ỏi và kiến thức tìm tòi từ sách, báo… khoảng cuối năm 2008, anh Vui dành phòng sau trên tầng 2 của nhà mình để thử nghiệm trong sự hồi hộp.

Mãi đến ngày thứ 3 thì những con yến đầu tiên mới xuất hiện. Sau một lúc bay lượn lờ xung quanh như thăm dò, cuối cùng yến đã bay vào nhà và chấp nhận trú ngụ nơi ở mới trong sự vui mừng tột cùng của anh Vui.
 
Anh Vui với tổ yến thu được.
Anh Vui với tổ yến thu được.

Tuy nhiên phải mất hơn 4 tháng sau, khi những chiếc tổ được yến làm hoàn thiện, anh Vui mới thấy nhẹ người và tin rằng mình đã thành công. Từ chỗ diện tích dành làm chuồng cho yến khoảng chừng 30m, với số lượng yến chỉ vài chục con lúc ban đầu thì đến nay, toàn bộ diện tích lầu 2, gồm: 3 phòng và cả phần hành lang, với tổng diện tích trên 100m2 đã được anh Vui dành trọn cho yến ở, với số lượng yến ước không dưới 300 con.

Anh Vui không giấu giếm: Do mới nuôi nên số lượng yến vẫn còn ít hơn so với một số nơi khác. Vì vậy trọng lượng tổ yến thu được đến thời điểm này cũng chỉ mới hơn 2kg. Tuy nhiên năm đến sản lượng tổ thu được sẽ tăng lên từ 2 đến 3 lần. Cùng với anh Vui, 3 người khác ở TP Quảng Ngãi cũng đã thành công trong việc gọi yến về nhà làm tổ.

Nuôi yến dễ hay khó?

Chim yến thường sống có đôi, mỗi tổ có 2 con trống, mái sống với nhau, mỗi lần đẻ 2 trứng, mỗi năm đẻ 3 lần vào mùa nắng từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm. Thức ăn của chim yến là phù du, côn trùng có sẵn trong không trung.

Theo anh Vui thì yến là loài chim khó tính, rất sốc với những âm thanh ồn ào, chát chúa nên nhà để gọi, hay xây cho yến nên tránh xa các khu công nghiệp, nhà máy.  Thông thường địa điểm yến chọn làm nơi ở mới là cạnh căn nhà có yến đang sống; trên đường yến bay ngang qua; vùng kiếm ăn của yến...

Tuy nhà yến đã vào ở, nhưng chưa hẳn đã thành công về mặt kinh tế, bởi lẽ lợi nhuận mang lại thấp hơn so với việc mang số tiền đầu tư đó gửi ngân hàng lấy lãi vì số lượng yến không vào nhiều.

Bên cạnh đó đầu tư một căn nhà cho yến, với diện tích khoảng 200m2 ít nhất cũng không dưới 500 triệu đồng. Nếu cải tạo từ nhà ở có sẵn, thì tiền mua thiết bị để dụ yến vào ở, làm tổ cũng phải 500.000 đồng/m2. Và với gần 100m2 nhà yến, dù đã tận dụng và tiết kiệm, thế nhưng chi phí lên đến 120 triệu đồng, anh Vui cho biết. Tuy nhiên, khi yến đã làm tổ trong nhà rồi, việc quản lý nó không khó khăn, bởi lẽ chim yến vẫn bay kiếm ăn ngoài tự nhiên.

Cuộc phiêu lưu đầy ma lực

Với giá thị trường hiện nay tại Quảng Ngãi, mỗi kilôgam tổ yến không dưới 50 triệu đồng, cho nên không có gì khó hiểu khi nuôi chim yến trong nhà có một sức hấp dẫn và thu hút nhiều người vào cuộc. Theo tính toán của các chuyên gia thì một nhà yến đạt kết quả bình quân 6m2 sẽ thu hoạch được khoảng 1kg tổ/năm.

Với nhà có diện tích 300m2 trên lý thuyết có thể đạt được 50kg tổ yến/năm; tuy nhiên thực tế thì thường khoảng 10 năm sau mới có thể đạt được mức này. Trong 2-3 năm đầu, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 2kg tổ yến là đã thành công.

Hiện nay đã có nhiều người mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn ngay từ ban đầu. Vì vậy thời gian tới, nếu nhà đầu tư nuôi yến tăng lên nhiều quá thì tỷ lệ thất bại cũng sẽ cao hơn, do yến phải chia sẻ bầy đàn, cạnh tranh nguồn thức ăn, nhất là ở những địa phương có khí hậu khắc nghiệt như Quảng Ngãi và vùng Nam Trung Bộ nói chung.

"Theo ước tính hiện từ Đà Nẵng trở vào đến Cà Mau đã có khoảng 200-300 căn nhà yến, trong đó khoảng 30 căn nhà yến tự vào ở mà không phải đầu tư. Chim yến thích sống ở vùng có thời tiết ấm áp từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào và ở mỗi địa phương, cũng chỉ có từ một đến vài vùng nhỏ có thể nuôi được yến. Cho đến bây giờ, tỷ lệ nhà yến đầu tư thành công tương đối cao, khoảng 70%".

Theo CAND online


.