Nghĩ về hạnh phúc

03:03, 21/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mười năm trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ là ông Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị về việc chọn ngày 20/3 hằng năm là ngày Quốc tế hạnh phúc. Từ đó đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đề ra nhiều chương trình và giải pháp nhằm mang lại hạnh phúc cho đất nước mình.
 
[links()]
 
Mỗi quốc gia hạnh phúc thì cả thế giới sẽ hạnh phúc. Đó là thông điệp mà các nước muốn gửi gắm đến các nhà lãnh đạo cũng như các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 193 thành viên cùng cam kết xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
 
Hai chữ hạnh phúc luôn là khát vọng vươn tới của mỗi con người, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khát vọng là một lẽ, còn thực tế diễn ra lại là một câu chuyện khác. Vì lẽ đó, con người luôn hướng đến hạnh phúc như là cái đích cuối cùng của mình.
Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà quan niệm về hạnh phúc có khác đi. Tuy nhiên, mẫu số chung của hạnh phúc vẫn là làm sao đó để mọi người được sống trong hòa bình, có đầy đủ vật chất và tinh thần, tất cả đều cư xử với nhau trên tinh thần bình đẳng, nhân ái; sống có trách nhiệm với người thân, bạn bè và với xã hội.
 
Năm 1946, trả lời phỏng vấn các nhà báo, Bác Hồ đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đó là khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong ước để đạt tới. Các tiêu chí mà Người đưa ra, rất đơn giản và cụ thể. Ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành - nếu được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu ấy cho dân thì cũng là niềm hạnh phúc của người lãnh đạo vậy.
 
Tuy nhiên, những nhu cầu vật chất tối thiểu ấy cũng phải được thích nghi dần theo thời gian khi đất nước phát triển. Quan niệm về hạnh phúc theo đó cũng phải được nhìn nhận dưới một lăng kính khác. Thế nhưng, dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa về vật chất, thì những giá trị về hạnh phúc vẫn luôn bất biến.
 
Đối với mỗi nếp nhà cũng vậy, chúng ta không thể lấy sự giàu có về tài sản để làm thước đo cho hạnh phúc, mà cần phải nhìn nhận trong tổng thể. Trên thuận dưới hòa, con cái biết vâng lời cha mẹ, kính trên nhường dưới, sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, biết hy sinh vì nghĩa lớn, biết lấy sự giúp đỡ mọi người, biết chia khó với người nghèo... thì đấy mới là hạnh phúc.
 
Mỗi cá nhân ý thức về hạnh phúc bằng sự cống hiến và hy sinh như thế thì quốc gia cũng sẽ có hạnh phúc. Từng quốc gia hạnh phúc thì cả thế giới cũng sẽ có hạnh phúc.
 
Thế giới hiện có hơn 200 quốc gia với khoảng 8 tỷ người, mỗi quốc gia lại theo một chế độ chính trị riêng và cách quản trị đất nước theo một phương pháp riêng. Vì vậy, khát vọng để có một thế giới đại đồng, ai cũng được sống trong đủ đầy vật chất, thoải mái về tinh thần sẽ là cuộc hành trình đầy gian nan.
 
Liên hợp quốc chọn ngày 20/3 làm ngày Quốc tế hạnh phúc như là cách để nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn hướng đến điều thiện. Mỗi người đều cầu mong trên trái đất này không còn cảnh bom rơi đạn nổ, không còn đói nghèo và bệnh tật, tất cả mọi người sống trong no đủ và an lành. Đấy mới là hạnh phúc thật sự.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.