Sống chậm để… yêu thương

04:02, 25/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sống chậm không phải là chậm rãi thụ hưởng cuộc sống trong sự an nhàn, mà trong bộn bề lo toan, vẫn biết trân trọng các giá trị của cuộc sống, biết yêu thương bản thân và quan tâm đến những người xung quanh mình...
 
Dành thời gian cho người thân
 
Nhiều năm nay, quán vịt nướng của vợ chồng anh Nguyễn Duy Truyền và chị Bùi Thị Hồng Trinh, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) lúc nào cũng đông khách. Quán mở bán từ 14 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Dù đông khách nhưng vợ chồng anh chị chỉ bán đúng 20 con vịt mỗi ngày. 
 
“Mấy năm nay, mỗi ngày vợ chồng tôi bán xong 20 con là nghỉ. Nhiều khách quen động viên hai vợ chồng nên chuẩn bị nhiều vịt hơn để bán từ chiều đến khuya, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng chúng tôi chỉ bán chừng đó thôi, vì muốn dành thời gian cho các con. Ngày nào tụi nhỏ cũng chờ ba mẹ về để cùng ăn cơm tối với nhau. Có mấy lần hai vợ chồng về trễ, điện thoại dặn con ăn cơm trước, nhưng tụi nhỏ vẫn cứ dọn sẵn cơm rồi chờ...”, chị Trinh tâm sự.
 
Tạm gác lại công việc bận rộn, chị Lê Trần Bạch Huệ dành thời gian vui vầy cùng ông nội đã bước sang tuổi 90.                                                    Ảnh: ý thu
Tạm gác lại công việc bận rộn, chị Lê Trần Bạch Huệ dành thời gian vui vầy cùng ông nội đã bước sang tuổi 90. Ảnh: ý thu
Hơn 5 năm qua, anh T.B, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ ăn, thức uống ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đều đặn đóng cửa tiệm vào ngày chủ nhật hằng tuần. “Tôi tạm gác lại cuộc mưu sinh, dành riêng những ngày chủ nhật cho người thân. Tôi đưa con về thăm ông bà nội, ngoại. Cả nhà cùng sum vầy vui vẻ, ăn với nhau bữa cơm, cùng đọc sách, hát cho nhau nghe... Những khoảnh khắc ấy, quý giá lắm! Cha mẹ mỗi ngày một già đi nên chúng tôi dành nhiều thời gian ở bên cạnh để cha mẹ vui. Sau này dù có tiền cũng không mua lại được quãng thời gian này”, anh B chia sẻ.  
 
Xin nghỉ phép và rời TP.Hồ Chí Minh về quê, chị Lê Trần Bạch Huệ, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) tranh thủ thời gian cùng ông nội là cụ Lê Văn Trí (90 tuổi) đi bộ thể dục ở Quảng trường đường Phạm Văn Đồng, TP.Quảng Ngãi. Chị Huệ cho biết, vào buổi sáng và chiều, tôi cùng ông nội ra quảng trường tập thể dục. Cuộc sống của những người ở tuổi tôi, ai cũng tất bật, vội vã. Nhưng tôi nghĩ, liệu ông nội có chờ được đến khi mình hoàn thành xong mọi công việc không? Thế là tôi chọn chậm nhịp công việc lại một chút để chạy nhanh về nhà.
 
Lắng nghe cuộc sống quanh mình
 
Giữa bao tất bật, vội vã của cuộc sống, nhiều người đã để tâm hồn mình “sống chậm”, để học cách lắng nghe, quan tâm nhiều hơn đến những thứ xung quanh mình. Là kỹ sư, trưởng ca vận hành Nhà máy Thủy điện Đắkđrinh (Sơn Tây), anh Nguyễn Duy Sinh, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) bảo, đã 10 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến nhận việc ở Sơn Tây. “Tôi đã gặp những người mẹ địu đứa con sơ sinh lên rẫy. Hình ảnh ấy thôi thúc tôi, hãy làm một điều gì đó cho những đứa trẻ nơi này", anh Sinh bồi hồi kể lại.
 
Tan giờ làm, thay vì nghỉ ngơi, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Duy Sinh rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm để tìm hiểu về những khó khăn của trẻ em ở vùng cao. Sau đó, anh kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung tay mang quần áo, bánh kẹo từ miền xuôi lên miền ngược, tặng cho trẻ em tại nhiều thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Tây. “Nhìn các em mừng rỡ đón lấy những đôi dép cũ nhưng còn sử dụng tốt, những hộp bánh kẹo từ miền xuôi gửi lên, tôi thấy mình cần phải có nhiều hơn những việc làm như thế! Thế là tôi đã xin một góc nhỏ tại cửa hàng của người em ở địa chỉ 95 Nguyễn Tự Tân (TP.Quảng Ngãi), làm địa chỉ đón nhận quần áo, bánh kẹo cho trẻ em miền núi. Những chuyến xe chở quà từ đồng bằng lên miền ngược nhờ vậy mà đầy mãi”, anh Sinh xúc động nói. 
 
Ông Phạm Văn Hiến thường đến tận nhà để chở bà Đặng Thị Lục đi khám chữa bệnh và không lấy tiền công.
Ông Phạm Văn Hiến thường đến tận nhà để chở bà Đặng Thị Lục đi khám chữa bệnh và không lấy tiền công.
Không mấy dư dả với mức lương bảo vệ 1,2 triệu đồng mỗi tháng, cùng nghề xe ôm thu nhập "ba cọc ba đồng", vậy mà ông Phạm Văn Hiến (68 tuổi), ở thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) lại hăng hái thực hiện những chuyến xe ôm... 0 đồng vì người dưng. Đó là những chuyến xe chở người già, người neo đơn, người nghèo bị ốm đau đi khám bệnh, đi nhận gạo hỗ trợ. Đó là những chuyến xe mà lúc nào ông cũng hỏi thăm bệnh tình, gia cảnh của khách hàng, rồi nói với khách bằng câu cửa miệng: “Anh/chị khổ mà còn đau bệnh, tui đâu nỡ lấy. Mọi người đừng lo tui lỗ tiền xăng. Tui lấy chỗ có, bù vô chỗ khó. Anh/chị khó thì tôi không lấy. Cuộc sống là cứ bù qua sớt lại như vậy thôi”.
 
Giữa cơn mưa nặng hạt, chị Nguyễn Thị Hải, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chạy đến giúp đỡ chị Trần Thị Tửu, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) nhặt đồ đạc bị rơi xuống đường.          Ảnh: Ý Thu
Giữa cơn mưa nặng hạt, chị Nguyễn Thị Hải, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chạy đến giúp đỡ chị Trần Thị Tửu, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) nhặt đồ đạc bị rơi xuống đường. Ảnh: Ý Thu
Bị đau mắt, đau khớp mãn tính, phải thường xuyên lên trung tâm TP.Quảng Ngãi để khám, chữa bệnh, bà Đặng Thị Lục (80 tuổi), ở thôn Thanh An, xã Nghĩa Phú là “khách hàng thân thiết” của ông Hiến hơn 10 năm nay. “Tôi đau yếu, ngồi xe không vững nên đâu ai dám chở. May mà có chú Hiến chịu chở tui. Đi 5 bữa thì chú Hiến miễn phí hết 4 bữa, bữa còn lại chú kêu tui ưng đưa bao nhiêu đưa. Tui neo đơn, lại nghèo khổ, cũng may mà gặp được người chạy xe ôm giàu tình nghĩa như chú Hiến”, bà Lục rưng rưng.
 
Tôi như được sinh ra lần nữa
 
Ông Lê Quang Khất, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đã thốt lên như thế khi nói về ân nhân của cuộc đời mình là võ sư Nguyễn Để (68 tuổi), ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Bị tai nạn giao thông khiến chân trái gần như đứt lìa tại thị trấn Sông Vệ, ông Khất được võ sư Nguyễn Để kịp thời lao ra ôm ngay vào lề đường và cùng người nhà chở đi cấp cứu. “Tôi va quẹt với một chiếc xe máy khác và té xuống đường. Vừa lúc đó, một chiếc xe tải sắp sửa chạy đến. Cũng may mà ân nhân lăn xả chạy tới ôm tôi vào lề đường. Tôi bị thương nặng và mất máu quá nhiều, nếu ân nhân không nhanh chóng đưa đến bệnh viện, tôi chắc không còn sống để mà an vui tuổi già bên vợ và con cháu như bây giờ”, ông Khất kể trong niềm xúc động.
 
Vợ chồng ông Lê Quang Khất, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn nhắc đến ông Nguyễn Để-  vị ân nhân cứu giúp mình trong một vụ tai nạn giao thông.                                       ẢNH: Ý THU
Vợ chồng ông Lê Quang Khất, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn nhắc đến ông Nguyễn Để- vị ân nhân cứu giúp mình trong một vụ tai nạn giao thông. ẢNH: Ý THU
Bước sang tuổi 68, võ sư Nguyễn Để và cũng là một thầy giáo dạy Văn nay đã về hưu, không còn nhớ nổi mình đã cứu giúp bao nhiêu người bị tai nạn giao thông. Ông chỉ biết rằng, “với tôi, cứu người như cứu hỏa”! Nên cứ thấy người gặp nạn là tôi cứu!”.
 
Mới đây nhất là vào ngày 13/1/2023, khi chứng kiến một người phụ nữ đi xe máy bị va quẹt với xe khác chạy cùng chiều và té ngã, nằm bất tỉnh trên Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Sông Vệ, võ sư Nguyễn Để bước ra giữa đường, dùng chướng ngại vật ra hiệu, phân làn giao thông cho các xe, rồi nhanh chóng dìu người bị nạn vào lề đường. Vài phút sau, nạn nhân tỉnh dậy, cho số điện thoại người thân, ông đã ngay lập tức giúp người gặp nạn liên lạc với người nhà. Đến khi  người nhà có mặt, đưa nạn nhân đi cấp cứu, ông lại tận tình phụ giúp đưa nạn nhân lên xe và dặn dò những điều cần thiết trên đường đến bệnh viện.
 
Chứng kiến hành động của ông Để, có người khuyên ông đừng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cũng có người đặt biệt danh cho ông là “ông thầy khùng”. Nhưng với ông, khi nghĩ đến việc người gặp nạn được cứu, được đưa đi bệnh viện kịp thời trong khoảng thời gian vàng quý báu và có cơ hội sống để trở về vui vầy cùng người thân, ông lại nhủ lòng hãy cứ tiếp tục góp một phần nhỏ nhoi... để cuộc sống thêm tươi đẹp.

Ý THU

 

.