(Báo Quảng Ngãi)- Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội; tổ chức nhiều mô hình ý nghĩa. Từ đó góp phần phát triển phong trào phụ nữ tại các địa phương.
[links()]
Tập hợp, gắn kết hội viên
Định kỳ 3 tháng một lần, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn An Hòa, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) Võ Thị Phẩm tổ chức Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng” tại nhà văn hóa thôn. Hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn thôn An Hòa thu gom, phân loại những sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông... đem đến nhà văn hóa thôn để đổi lấy nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột nêm, đường, nước tương. Nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu dùng để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi hội viên phụ nữ ốm đau, mua quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi neo đơn...
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn An Hòa, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) Võ Thị Phẩm (bên phải) tặng quà cho hội viên khi tham gia Chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy quà tặng”. |
Mô hình “Đường hoa ơn Bác- sắc mới thôn quê” là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội LHPN huyện Mộ Đức trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình phát huy hiệu quả khi các hội viên phụ nữ và người dân cùng tham gia. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) Trần Thị Hoàng Yến cho biết, từ khi phát động mô hình “Đường hoa ơn Bác - sắc mới thôn quê”, chị em trong thôn tích cực trồng hoa ven các tuyến đường và phân công nhau chăm sóc. Hơn 3km đường hoa, với đủ các loại hoa đang phát triển tươi tốt, làm đẹp cho xóm làng. Hơn nữa, người dân cũng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi để cảnh quan của thôn Phước Xã luôn xanh, sạch, đẹp. Mô hình đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện và giữ vững các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng xây dựng tổ chức hội
Toàn tỉnh hiện có 173 cơ sở hội, 963 chi hội phụ nữ, với 242,39 nghìn hội viên. Để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hằng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội; kiến thức nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Bên cạnh đó, các cấp hội đã đề ra nhiều giải pháp, nội dung xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh; xây dựng các mô hình thu hút hội viên; bồi dưỡng, đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức các hội thi “Cán bộ cơ sở giỏi”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”... giúp cán bộ, hội viên có cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức hội, hội viên, phụ nữ...
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, chất lượng công tác hội và phong trào phụ nữ ở cơ sở phần lớn phụ thuộc vào sự nhiệt huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Vì vậy, đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp từ tỉnh tới cơ sở thường xuyên được quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của cán bộ hội cơ sở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc xây dựng, phát triển hội viên, mô hình tập hợp hội viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng tổ chức hội phụ nữ ngày càng vững mạnh, thật sự là mái nhà chung của các tầng lớp phụ nữ trên toàn tỉnh.
Bài, ảnh:
TRUNG ÂN