Đong đầy nghĩa tình đồng đội

08:12, 29/12/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiến tranh đã lùi xa, những người lính Tiểu đoàn 107 năm xưa giờ đây đã không còn trẻ. Trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, số phận, nhưng trong buổi gặp mặt truyền thống Tiểu đoàn pháo binh 107 thời kỳ chống Mỹ, bao nhiêu cảm xúc như vỡ òa khi được cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng cùng chiến đấu xông pha nơi trận mạc. 
[links()]
 
Quảng Ngãi những ngày đông, mưa lạnh nhưng hội trường Trạm khách T50 (TP.Quảng Ngãi) không khí rất ấm áp, đong đầy nghĩa tình mà các cựu chiến binh Tiểu đoàn 107 trao cho nhau trong ngày gặp mặt. 
 
Từng vào sinh ra tử trên chiến trường nay lại gặp nhau ai cũng rưng rung, xúc động. Những người lính Tiểu đoàn 107 năm xưa giờ đây đã không còn trẻ, tóc đã bạc màu, sức khỏe đã giảm sút. Nhưng khi gặp lại nhau, chất “lính” của các cựu chiến binh này vẫn tươi roi rói như cái thời ôm súng xông pha nơi trận mạc đánh giặc cứu nước…
 
Những ký ức về quãng thời gian cùng kè vai, sát cánh tham gia chiến đấu vẫn như chưa hề phai nhạt. Trên ngực áo những người lính già là những tấm huân, huy chương, huy hiệu được nâng niu, gìn giữ như những kỷ vật thiêng liêng để ghi nhớ về một thời hào hùng không thể nào quên. 
 
Trung tá Nguyễn Nhật Thăng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo binh 107 thăm hỏi  sức khỏe các đồng đội
Trung tá Nguyễn Nhật Thăng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 107 thăm hỏi sức khỏe các đồng đội.
 
Dù sức khỏe không được tốt, phải ngồi xe lăn nhưng Trung tá Nguyễn Nhật Thăng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 107 vẫn cùng một số đồng đội đang sinh sống ở phía bắc vượt đường xa về Quảng Ngãi để gặp mặt đồng chí, đồng đội của mình. 
 
Sự có mặt của ‘thủ trưởng’ Nguyễn Nhật Thăng tại Quảng Ngãi - mảnh đất ác liệt năm xưa trở nên ý nghĩa để tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống và cũng là niềm động viên tinh thần đối với những người lính ông chỉ huy năm xưa. “Cuộc hội ngộ hôm nay là một điều vinh dự, hạnh phúc nhất, được gặp anh em đồng đội, thăm nhau… mừng và quý lắm!", ông Thăng xúc động nói. 
 
Sau những lời thăm hỏi, động viên nhau, Trung tá Nguyễn Nhật Thăng cùng các đồng đội ôn lịch sử của đơn vị, những chiến công và cả những mất mát, đau thương, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Điều làm chúng tôi thán phục là dù ngồi xe lăn, sức khỏe giảm sút nhưng ông Thăng nhớ từng chi tiết nhỏ đến những trận đánh lớn mang đậm dấu ấn của Tiểu đoàn 107 anh hùng. Những câu chuyện chiến đấu, tình cảm đồng chí, đồng đội, những tên đất, tên người một thời được tái hiện qua lời kể của ông. 
 
Dù tuổi cao, sức yếu, phải ngồi xe lăn nhưng Trung tá Nguyễn Nhật Thăng vẫn cố gắng về dự buổi gặp mặt.
Dù tuổi cao, sức yếu, phải ngồi xe lăn nhưng Trung tá Nguyễn Nhật Thăng vẫn cố gắng về dự buổi gặp mặt.
 
Ông Thăng xúc động chia sẻ, Tiểu đoàn 107 sinh ra trong giai đoạn chiến đấu quyết liệt nhất với đế quốc Mỹ (từ năm 1967 – 1973). Đặc biệt, năm 1969, địch mạnh nhất ở chiến trường Quảng Ngãi này. Trong những thời điểm chiến đấu ác liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn rất gắn bó, thương yêu nhau, chia nhau từng nắm cơm, manh áo, sát cánh bên nhau trong mỗi trận chiến đấu... Với ông, những tháng ngày đó tuy nhiều gian khổ, hiểm nguy rình rập nhưng lòng yêu nước đã chiến thắng tất cả. 
 
Trong hơn 8 năm chiến đấu trên đất Quảng Ngãi, Tiểu đoàn đã dùng hỏa tiễn cùng các loại pháo đánh phối hợp và tập trung 935 trận, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy và làm hư hỏng 135 pháo, cối các loại; bắn cháy, làm hư hỏng 54 máy bay HUIA, 5 máy bay phản lực, 1 kho xăng, 40 xe bọc thép… góp phần to lớn trong việc giải phóng Quảng Ngãi và hoàn toàn miền Nam năm 1975.
 
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 107 chụp hình, lưu lại những lỷ niệm trong ngày gặp mặt đong đầy nghĩa tình,
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 107 chụp hình, lưu lại những lỷ niệm trong ngày gặp mặt đong đầy nghĩa tình,
 
Trở về từ Cộng hòa Liên bang Đức để có mặt và cùng chung vui trong ngày gặp gỡ với đồng đội cũ, ông Nguyễn Huy Thắng, nguyên chiến sĩ Đại đội 2, DKZ 75, Tiểu đoàn 107 chia sẻ, mỗi lần Ban Liên lạc truyền thống của Tiểu đoàn 107 tổ chức gặp mặt, ông đều sắp xếp thời gian, công việc để trở về. 
Thành lập tháng 4/1966 tại Hải Phòng với tên gọi ban đầu là Tiểu đoàn 270 pháo cao xạ 12,8 ly. Sau 7 tháng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Hải Phòng và Ninh Bình. Đến tháng 12/1966 được lệnh hành quân vào Nam và sau đó bổ sung thành Tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp đổi tên thành Tiểu đoàn 107 pháo binh, được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều về chiến đấu trên đất Quảng Ngãi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. 
 
Tháng 5/1975, đơn vị được điều ra phòng thủ bờ biển và đảo Lý Sơn. Đến tháng 3 năm 1993, phiên hiệu Tiểu đoàn 107 được chuyển giao cho huyện Lý Sơn theo quy định của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5. Với những thành tích, chiến công trong chiến đấu, Tiểu đoàn 107 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Hiện nay dù mỗi người mỗi ngả, song chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng gian khổ, hy sinh. Về đây, gặp lại nhau, thấy ai cũng vui, cũng phấn khởi. Ngày xưa trong kháng chiến, những đồng chí, đồng đội quý nhau như anh em ruột thịt, bây giờ gặp lại, tình nghĩa đó vẫn còn nguyên vẹn và mãi mãi không thể phai mờ” - ông Thắng bộc bạch.

Ông Thắng xúc động nói: Tôi may mắn hơn, hạnh phúc hơn nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Trong sự may mắn ấy có sự dũng cảm, tình cảm, đùm bọc của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Nhân dân ngày ấy chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn từ củ khoai, cân gạo, không ngại hiểm nguy lo cho anh em từng chiếc hầm bí mật và nuôi dưỡng, che giấu khi về địa phương hoạt động. “Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những người má, người anh, người chị đã nuôi giấu chúng tôi trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, ông Thắng xúc động bày tỏ. 

Để tri ân những đồng chí đồng đội năm xưa đã hi sinh, ông Thắng (đang sinh sống và làm việc tại Đức) cùng một số đồng đội đang sinh sống ở Hà Nội và một số tỉnh phía bắc đã có hơn 30 lần về thăm lại chiến trường Quảng Ngãi và tìm mộ liệt sĩ. “Với chúng tôi, còn có sức khỏe ngày nào, có thể vào thăm chiến trường ngày nào, chúng tôi đều muốn trở lại chiến trường để tri ân với đồng đội và nhân dân bám trụ nuôi giấu cán bộ cách mạng thời chiến tranh”, ông Thắng cho biết. 
 
Được gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau là niềm vui rất lớn của những người lính đã từng vào sinh, ra tử cùng nhau trong chiến tranh.
Được gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau là niềm vui rất lớn của những người lính đã từng vào sinh, ra tử cùng nhau trong chiến tranh.
 
Mỗi câu chuyện được các cựu chiến binh chia sẻ tại buổi gặp mặt là những ký ức hào hùng. Những câu chuyện ấy đã tạo nên một cuộc gặp gỡ nhiều cảm xúc, khiến nhiều cựu chiến binh không cầm nổi nước mắt khi nhớ về những đồng đội, về những năm tháng chiến tranh gian khổ mà vẻ vang. Gian khổ, khó khăn, nguy hiểm cận kề, nhưng chẳng ai lùi bước, nản chí, bởi một lẽ đơn giản: Họ là người lính cụ Hồ.
 
Cựu chiến binh Đào Đình Hùng, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn 107 nói: Dù cuộc sống hôm nay còn không ít khó khăn, nhiều đồng chí còn mang thương tích, bệnh tật nhưng chúng ta luôn tự hào tên của Tiểu đoàn 107 vẫn luôn được ghi danh trong cuốn sách lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng của lực lượng vũ trang Quảng Ngãi và quyển sách lịch sử Đảng bộ Quảng Ngãi. Tiểu đoàn 107 đã được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nuôi dưỡng, đùm bọc góp phần cùng các lực lượng vũ trang trong tỉnh giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.
 
“Quỹ thời gian còn lại của chúng ta không còn nhiều, mong các cựu chiến binh Tiểu đoàn 107 tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, động viên gia đình, con cháu, lao động, sản xuất, học tập, góp phần xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống cha ông đã đổ xương máu để có cuộc sống độc lập, tự do hôm nay”, Cựu chiến binh Đào Đình Hùng, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn 107 gửi gắm. 
Bài ảnh: BẢO NGỌC

.