(Báo Quảng Ngãi)- Bão số 4 làm cho nhiều diện tích cây ăn quả đang và sắp đến kỳ thu hoạch của người dân huyện Sơn Tây bị ngã đổ. Nhiều gia đình hiện rơi vào cảnh khó khăn, vì không có vốn để "làm lại từ đầu".
[links()]
Xã Sơn Dung được mệnh danh là vùng cau đẹp nhất, lớn nhất của huyện Sơn Tây. Thế nhưng, sau bão số 4 vừa qua, hàng nghìn cây cau đã bị ngã đổ, hư hại. Nhìn vườn cau hàng trăm cây trên 15 tuổi đang độ xanh tốt, ra trái non giờ đã bật gốc hoặc gãy ngang thân, anh Đinh Văn Chẻ, ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung buồn rười rượi.
“Cau đang còn non, phải một tháng nữa mới bán được nhưng giờ ngã đổ hết rồi. Bây giờ phải lo dọn dẹp hết để làm lại đất trồng lứa mới, nhưng chưa biết lấy tiền đâu để mua giống”, anh Chẻ bày tỏ.
Tương tự, vườn cau của gia đình anh Đinh Văn Dương cũng bị thiệt hại nặng do bão số 4. Anh Dương chia sẻ, mấy ngày nay, gia đình tôi tranh thủ dọn dẹp vườn cau ngã để lấy đất đầu tư trồng lại, nhưng nhanh gì cũng phải mất ít nhất 7 năm nữa mới có thu hoạch.
Vườn cau ngã đổ do bão số 4 của gia đình anh Đinh Văn Chẻ, xã Sơn Dung (Sơn Tây). |
Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Đinh Văn Trí cho biết, bão số 4 vừa qua đã làm cho nhiều diện tích cau trong thời kỳ cho quả của người dân trên địa bàn xã bị thiệt hại nặng. So với các loại cây trồng khác, thì cây cau vẫn mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân. Vì vậy, trong thời gian đến, xã khuyến khích người dân trồng lại diện tích cau bị thiệt hại. Đồng thời, đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ cau giống cho người dân khôi phục lại diện tích bị thiệt hại.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Sơn Tây, bão số 4 làm khoảng 40ha cau của người dân trên địa bàn bị ngã đổ, trong đó có hàng nghìn cây bị thiệt hại hoàn toàn. Để trồng được cây cau cho trái ít nhất phải mất khoảng 7 năm và chu kỳ cho trái kéo dài trên 25 năm.
Không chỉ cây cau, trên địa bàn huyện Sơn Tây, bão số 4 còn gây thiệt hại hơn 9,3ha cây ăn quả gồm bưởi, ổi, chuối đang trong thời kỳ cho quả, trong đó có 3,3ha bị thiệt hại nặng không thể khôi phục.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết, đối với những diện tích cây ăn quả bị thiệt hại nhẹ, chúng tôi đã hỗ trợ người dân chống đỡ, khắc phục. Riêng những diện tích bị bật gốc, ngành cũng khuyến cáo người dân dọn dẹp để trồng lại, vì có khắc phục cây cũng khó phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA