Người dân ven biển Bình Sơn chủ động ứng phó với bão số 4

07:09, 25/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 25/9, người dân sống ở khu vực ven biển ở Bình Sơn đã tất bật chằng chống nhà cửa, đưa thuyền thúng vào bờ tránh bão số 4. Dự báo, đây là cơn bão có cường độ mạnh, sức tàn phá lớn khi đổ bộ vào bờ nên chính quyền địa phương và nhân dân không thể chủ quan.
[links()]
Nghe tin bão số 4 sắp vào bờ và có hướng đi nhắm thẳng đến các tỉnh miền Trung, gia đình ông Huỳnh Nga ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) tất bật xúc cát vào bao để gia cố mái nhà. “Nghe đài, báo thông tin về cơn bão này, chúng tôi lo lắm, nên cố gắng chằng chống nhà cửa cho an tâm. Nhưng nhà ngay sát biển thế này, nếu bão vào thì tôi cũng phải di dời đến nơi khác mới đảm bảo an toàn được”, ông Nga lo lắng nói.
 
Hàng trăm hộ dân sống dọc bờ biển Phước Thiện đã được thông báo chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trước khi bão đổ bộ. Nhiều gia đình đã chủ động chặt tỉa bớt cây cối để tránh ngã đổ vào nhà, gây nguy hiểm đến tính mạng.
 
Người dân ven biển tất bật dùng bao cát để gia cố mái nhà.
Người dân ven biển tất bật dùng bao cát để gia cố mái nhà.
Các ngôi nhà ven biển sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi bão đổ bộ, nên ai cũng lo phương án bảo vệ tài sản và tính mạng.
Các ngôi nhà ven biển sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi bão đổ bộ, nên ai cũng lo phương án bảo vệ tài sản và tính mạng.
Bão số 4 đã mạnh lên cấp 14, giật cấp 17, di chuyển rất nhanh. Dự báo vào biển Đông trong tối và đêm nay, sau đó di chuyển thần tốc vào các tỉnh miền Trung. Khả năng cao bão sẽ gây thiệt hại lớn đối với tàu thuyền nếu không tìm chỗ neo trú an toàn. Các ngư dân đã cấp tập huy động nhân lực khiêng thuyền thúng vào bờ, chằng cột cẩn thận.
 
Anh Nguyễn Thanh Vân là ngư dân làng chài Phước Thiện cũng hối hả lo phương án bảo vệ tài sản. “Dự báo bão đợt này lớn quá, nên giờ là không ra khơi nữa, lo lôi thúng lên bờ để nơi an toàn cho đảm bảo”, anh Vân chia sẻ.
 
Bão cận kề, việc mua bán cá diễn ra nhanh chóng hơn thường ngày.
Bão cận kề, việc mua bán cá diễn ra nhanh chóng hơn thường ngày.
 
Chợ cá ở thôn Phước Thiện diễn ra vội vã hơn thường ngày, bởi các ghe, thuyền “chạy bão” liên tục tấp vào bờ để bán hải sản. Từng sọt cá tươi gấp rút chuyển lên bờ, xếp lên xe để mang đi tiêu thụ. “Đi đánh bắt xa bờ nhưng nghe có bão nên vội đưa tàu về. Đợt này mới đánh được khoảng 1 tấn cá nhồng thôi. Lo tấp vào bờ bán để còn gửi ghe neo trú tránh bão”, ngư dân Trần Văn Bình chia sẻ.
 
Bình Hải là xã ven biển, thường xảy ra thiệt hại nặng nề khi có bão lũ xảy ra, nhất là ở các thôn Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Thanh Thủy. Do đó, khi nghe thông tin về bão Noru, người dân ở khu vực này chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
 
Công trình kè chống sạt lở Bình Hải đã đi vào giai đoạn nước rút. Đến tối 25/9, toàn bộ phương tiện sẽ được đưa đến nơi an toàn để tránh bão.
Công trình kè chống sạt lở Bình Hải đã đi vào giai đoạn nước rút. Đến tối 25/9, toàn bộ phương tiện sẽ được đưa đến nơi an toàn để tránh bão.
 
Đáng chú ý, trên địa bàn các thôn này có công trình kè chống sạt lở đang được triển khai thi công. Hiện tại, các hạng mục của công trình đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn phần mặt đường. “Các điểm dừng kỹ thuật đã đảm bảo, trong chiều nay sẽ tiến hành di dời hết các phương tiện, máy móc đến nơi an toàn”, đại diện đơn vị thi công thông tin.
 
Chủ tịch UBND xã Bình Hải Ngô Văn Thính cho biết, đến thời điểm chiều 25/9, hầu hết tàu thuyền của xã đều đã vào bờ, tìm nơi trú tránh. Hiện chỉ còn 2 chiếc đang về, gặp sự cố là chưa vào bờ. Dự kiến, đến tối nay, 100% tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn xã sẽ tìm được vị trí an toàn để neo đậu.
 
Các ngư dân cấp tập đưa thuyền thúng vào bờ tránh bão.
Các ngư dân đưa thuyền thúng vào bờ tránh bão.
 
Trước dự báo bão sô 4 mạnh cấp 14 đang di chuyển nhanh về miền Trung, UBND tỉnh đã ra công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, tuyệt đối không chủ quan. Huyện Bình Sơn đã đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các xã, thị trấn triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân trong vùng nguy hiểm chủ động ứng phó, di dời đến nơi an toàn.
 
“Huyện chỉ đạo các địa phương nắm chắc các khu vực có nguy cơ bị ngập để sơ tán dân. Dự kiến, Bình Sơn sẽ di dời, sơ tán 11,522 nghìn hộ dân với 38,445 nghìn nhân khẩu ở các vùng nguy cơ đến nơi an toàn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết.
 
Bài, ảnh: T.PHƯƠNG

 


.