(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó và tinh thần cầu tiến, những phụ nữ dân tộc Hrê, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhiều phụ nữ đã thi đua sản xuất, mạnh dạn kinh doanh, chăn nuôi số lượng lớn...
[links()]
Từ nghèo khó đi lên
Từng là hộ nghèo nhưng nhờ sự chăm chỉ, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hợp lý mà giờ đây, gia đình chị Phạm Thị Huê, ở thôn Trũng Kè 2, đã trở thành hộ khá giả. Chị Huê bộc bạch, trước năm 2015, gia đình tôi nằm trong diện cận nghèo. Vợ chồng tôi phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Đến năm 2015, được Hội LHPN xã Hành Tín Tây tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm, vợ chồng tôi mạnh dạn mua xe tải để đi thu mua keo nguyên liệu.
Nhờ chăm chỉ lao động, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả mà chị Phạm Thị Huê (bên phải), ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá. |
Nhờ sự chăm chỉ, uy tín trong công việc nên chỉ sau vài năm vay vốn làm ăn, gia đình chị Huê không chỉ thoát nghèo, trả hết nợ mà còn trở nên khấm khá. Ngoài thu mua keo nguyên liệu, cung cấp keo giống cho các hộ dân ở địa phương, từ lợi nhuận có được, chị Huê còn xây thêm chuồng trại nuôi hàng chục con trâu và trồng hơn 5ha keo. Hiện nay, cơ sở kinh doanh của gia đình chị Huê tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày. Giờ đây, dù kinh tế gia đình đã ổn định, nhưng vợ chồng chị Huê vẫn luôn hăng say lao động và tập trung nuôi dạy 2 người con gái trưởng thành.
“Vợ chồng tôi từ nghèo khó đi lên nên sợ đói nghèo và thất học lắm. Bởi vậy, dù gia đình đã có của ăn, của để nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng lao động mà ngày càng nỗ lực hơn để phát triển việc chăn nuôi, kinh doanh. Chúng tôi muốn truyền tình yêu lao động và sự chăm chỉ cho các con mình”, chị Huê chia sẻ.
Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Tương tự chị Huê, những năm gần đây, ở thôn Trũng Kè 2 có nhiều tấm gương phụ nữ Hrê sản xuất, kinh doanh giỏi. Phụ nữ nơi đây không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà ngày càng chủ động xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Đinh Thị Long, ngoài trồng rừng, chăn nuôi 5 con trâu, chị còn nuôi gần 100 con heo thịt và nấu rượu. Dù công việc bận rộn, vất vả nhưng trên khuôn mặt chị Long luôn rạng ngời niềm vui. Chị Long bộc bạch, nếu chỉ trông chờ vào vài héc ta keo thì kinh tế chật vật lắm, nên tôi học hỏi mấy chị em trong thôn xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Trong lúc đợi đến kỳ thu hoạch keo, thì nhờ bán trâu và heo, tôi có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Mỗi năm, trừ chi phí, từ việc chăn nuôi, nấu rượu tôi cũng dư được vài chục triệu đồng.
Thấy được những tấm gương phụ nữ Hrê chăm chỉ, chịu khó làm ăn, nhiều chị em ở thôn Trũng Kè đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Kinh tế nhiều gia đình khởi sắc đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê. Trũng Kè 2 là thôn có 100% người Hrê sinh sống. Nếu như hơn 6 năm trước, hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 50%, thì hiện nay, con số này giảm còn khoảng 20%, chủ yếu là người già neo đơn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Tín Tây Đào Thị Kim Oanh cho biết, ở thôn Trũng Kè 2 có nhiều hội viên phụ nữ bản lĩnh, chịu khó lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các chị không chỉ tìm tòi, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả để làm giàu cho bản thân, mà còn tích cực chia sẻ với nhau về cách làm kinh tế và nuôi dạy con cái, giữ gìn gia đình hạnh phúc. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Hrê nơi đây ngày càng no ấm, văn minh hơn.
Bài, ảnh:
H.THU