Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai: Cần tháo gỡ những vướng mắc

06:07, 28/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Sở TN&MT và chính quyền các địa phương đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao thái độ phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
 
[links()]
 
Người dân phàn nàn, cán bộ quá tải
 
Ông N.T, ở xã Bình Thanh (Bình Sơn) cho rằng, việc giải quyết TTHC về đất đai còn rườm rà, người dân đi lại nhiều lần. Tôi nộp hồ sơ tách thửa từ mấy tháng trước, nhiều lần bổ sung giấy tờ mới giải quyết xong. Ông T sở hữu chung mảnh vườn với diện tích khoảng 4.000m2.
 
Cán bộ tại bộ phận một cửa huyện Bình Sơn hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính khi đến giao dịch.
Cán bộ tại bộ phận một cửa huyện Bình Sơn hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính khi đến giao dịch.
Từ năm 2021, ông T nộp hồ sơ đăng ký tách thửa để thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng. Cứ ngỡ hồ sơ được cán bộ kiểm tra và gửi giấy hẹn một lần là sẽ giải quyết xong, nhưng ông T phải đi lại nhiều lần. Mỗi lần hẹn, cán bộ giải quyết TTHC lại yêu cầu ông T bổ sung giấy tờ. Điều này khiến ông T bức xúc. Còn ông H.N, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) đến bộ phận một cửa huyện Bình Sơn để làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với 2 thửa đất trồng lúa. Ông N cho biết, gia đình tôi có 5 thửa đất trồng lúa, nhưng 3 thửa đã được cấp GCNQSDĐ, 2 thửa còn lại không biết vì nguyên nhân gì mà vẫn chưa được cấp giấy.
 
“Cùng với công khai số điện thoại đường dây nóng, Sở TN&MT đã tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình giải quyết TTHC. Với những hồ sơ giải quyết trễ hẹn, nếu lỗi do cơ quan, đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chủ động thông báo và gửi thư xin lỗi công dân”.
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT ĐỖ SÁU

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC nói chung, TTHC lĩnh vực đất đai nói riêng của huyện đang quá tải công việc. Số lượng hồ sơ quá lớn, trong khi đó lĩnh vực đất đai cần nhiều thời gian để sưu tra, rà soát, đối chiếu thông tin, số liệu. Mặc dù cán bộ, công chức đã nỗ lực thực thi công vụ, nhưng quá trình giải quyết những TTHC trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra thiếu sót, chậm trễ.

 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Bình Sơn đã giải quyết trên 14,1/17,4 nghìn hồ sơ. Trong đó, có gần 13 nghìn hồ sơ giải quyết đúng hẹn (91,5%), có 1.206 hồ sơ trễ hẹn (8,5%). So với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn giảm 673 hồ sơ (từ 1.879 còn 1.206 hồ sơ). Trong số 1.206 hồ sơ giải quyết trễ hẹn tại Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Bình Sơn, có 529 hồ sơ vướng thay đổi ranh giới dẫn đến biến động diện tích, cần phải xác minh về nguồn gốc sử dụng đất đối với hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu, công dân chậm bổ sung hồ sơ; 595 hồ sơ do UBND các xã, thị trấn chậm xác nhận biên bản, chậm niêm yết công khai xác nhận hồ sơ... Còn tại Phòng TN&MT huyện Bình Sơn, tính đến ngày 10/7/2022, đã tiếp nhận 2.522 hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu, trong đó có 1.268 hồ sơ đã giải quyết, số còn lại đang thẩm tra.
 
Cần thực hiện đúng quy định    
 
Không chỉ ở huyện Bình Sơn, thời gian qua, một bộ phận người dân ồ ạt đăng ký gia hạn đất nông nghiệp, tách thửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nhất là đất lúa, đất trồng cây lâu năm... sang đất ở), dẫn đến lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng đột biến.
 
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Sở TN&MT), trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận hơn 86 nghìn hồ sơ. Trong đó,  tiếp nhận mới gần 81 nghìn hồ sơ, cao nhất trong 7 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 5 của Bộ TN&MT. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã giải quyết hơn 74 nghìn hồ sơ (đạt 85,95%), trong đó hồ sơ giải quyết đúng hẹn đạt 95,1%.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa có thông tin dữ liệu đất đai, trong khi thông tin về thửa đất liên tục biến động, dẫn đến việc thẩm tra, giải quyết TTHC chậm. Theo Sở TN&MT, người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp... sang đất ở thì phải được UBND cấp huyện cho phép, với điều kiện diện tích xin chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan. 

 
Tuy nhiên, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên UBND tỉnh chưa cho phép thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, Sở TN&MT đã chỉ đạo văn phòng đăng ký đất đai - chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu. Riêng nội dung tách thửa, Sở TN&MT cũng như các địa phương đang thực hiện theo Quyết định số 85/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
 
Ngoài ra, việc cấp GCNQSDĐ theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp hiện đang gặp những khó khăn, trở ngại. Đơn cử như tại huyện Nghĩa Hành, đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn chỉnh sổ đăng ký ruộng mẫu 5B. Trong khi đó, sổ đăng ký ruộng mẫu 5B là một trong những cơ sở để thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, nên khi có dự án đi qua sẽ phát sinh những vướng mắc.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 

.