(Báo Quảng Ngãi)- Vụ cháy nhà khiến 5 người tử vong tại Hà Nội vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh(SXKD). Trên địa bàn Quảng Ngãi cũng từng xảy ra một số vụ cháy như vậy, nên người dân và các ngành chức năng cần đặc biệt lưu tâm đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp SXKD.
[links()]
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 372 nghìn nhà ở riêng lẻ; 14,8 nghìn nhà ở kết hợp SXKD. Theo khảo sát, phần lớn nhà ở (nhất là khu vực các phường, thị trấn) được xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn. Một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng trường hợp cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị PCCC. Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp SXKD là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu vực nội thị, xung quanh các chợ, tuyến đường phố, kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như tạp hóa, quần áo, giày dép, hàng mã... nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh trên đường Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi) chất hàng hóa chắn lối đi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ảnh: PV |
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 4/2021 - 4/2022 đã có 9/30 vụ cháy là ở các hộ gia đình, nhà ở kết hợp SXKD. Trong đó, vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản nhất là vụ xảy ra ngày 5/6/2021 tại cửa hàng kinh doanh đồ điện thuộc phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), khiến 4 người tử vong...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định ban hành quy định an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp SXKD trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân, chủ hộ SXKD trong thực hiện các quy định về an toàn PCCC. Huy động cả hệ thống chính trị, người dân tham gia PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị... nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự cố cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
|
Có thực tế là, người dân có thể bỏ ra rất nhiều tiền để mua sắm tài sản trong gia đình và hàng hóa, nhưng không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho người dân cần phải được chú trọng để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Trung tá Nguyễn Hợp - Phó Trưởng phòng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền, vận động hơn 12 nghìn hộ gia đình, nhà ở kết hợp SXKD có một lối thoát mở lối thoát thứ 2; gỡ bỏ lồng sắt, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC và CNCH. Hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn trong trường hợp có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, củng cố 14 mô hình và xây dựng mới 47 mô hình PCCC&CNCH ở các địa phương như: “3 có, 3 biết, 3 an toàn”; “Nhà nhà đều có bình chữa cháy và 2 lối thoát nạn”...
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các ngành, đơn vị đẩy mạnh lồng ghép, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về PCCC bằng nhiều hình thức phong phú như: Viết tin bài, phóng sự; gửi tin nhắn SMS đến các thuê bao di động; tuyên truyền tại các cuộc họp của ban chỉ đạo PCCC các cấp. Ngoài ra, tổ chức hơn 7.500 nghìn buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp và qua hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo... Hiện có hơn 2.000 lượt thuê bao cài đặt ứng dụng báo cháy 114.
Công tác kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH cũng được đặc biệt quan tâm. Công an các cấp đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD và cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao theo địa bàn quản lý; kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp SXKD...
VŨ YẾN