Làng quê thay áo mới

08:02, 09/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo khởi sắc ở nông thôn với hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...
 
Chuyển biến rõ nét
 
Năm 2021, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM các cấp được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ xã, thôn về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và công tác bảo vệ môi trường nông thôn.
 
Mùa vàng ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới.  ẢNH: ĐĂNG LÂM
Mùa vàng ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới. ẢNH: ĐĂNG LÂM
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là nội dung có tính chất cốt lõi, quyết định tính bền vững đối với Chương trình xây dựng NTM, năm 2021, ngân sách trung ương đã phân bổ 4  tỷ đồng để hỗ trợ 5 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2021 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất. Các mô hình được thực hiện chủ yếu là chăn nuôi bò lai sinh sản, gà an toàn sinh học, heo bản địa, trồng cây ăn quả, hành, tỏi... Bên cạnh đó, kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, chủng loại nông sản ngày càng đa dạng, phong phú, trình độ canh tác có bước phát triển vượt bậc, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
 
Đặc biệt, Chương trình OCOP đã được các ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Cuối năm 2021, UBND tỉnh ra quyết định công nhận thêm 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh hiện có 47 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 44 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP cùng với nhiều sản vật đặc trưng văn hóa, ẩm thực quê hương núi Ấn- sông Trà không chỉ được khách hàng tin tưởng lựa chọn và sử dụng trong gia đình, mà còn góp mặt trong giỏ quà, hộp quà tặng dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 
 
Kết quả trên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mà còn bảo tồn và phát triển nhiều giá trị văn hóa, chuyển biến trong nhận thức bảo vệ và quản lý môi trường nông thôn... Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hồ Trọng Phương khẳng định, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả, thực chất, hướng đến chủ thể là người dân, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Sự thành công của chương trình chính là thay đổi diện mạo nông thôn, bảo vệ môi trường, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững
 
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 94/148 xã và 2 huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện Lý Sơn và TP.Quảng Ngãi đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,5 và không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 63 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu...
 
Kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, nhưng trong số này có đến 23 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 119/148 xã; trong đó có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 
 
Có trên 300 KDC được công nhận KDC nông thôn kiểu mẫu. Phấn đấu có 7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025, gồm các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Lý Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi. Trong đó, có ít nhất 1 huyện (Nghĩa Hành) đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, dự thảo Bộ tiêu chí NTM, giai đoạn 2021 - 2025 cũng có nhiều tiêu chí yêu cầu cao hơn. Trong đó, tiêu chí thu nhập tăng từ 42 triệu đồng/người/năm (năm 2021) lên 61 triệu đồng/người/năm (năm 2025). Được biết, tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 42 nghìn tỷ đồng. 
 
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh sẽ tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, công trình văn hóa... Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn gắn với Chương trình  OCOP... góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đưa xây dựng NTM thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. 
 
Theo ông Hồ Trọng Phương, để nâng cao chất lượng và hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, ngoài nguồn lực đầu tư tương xứng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương nhằm thúc đẩy phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, sẽ tận dụng được nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của từng địa phương, tiến đến hình thành chế biến sâu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP.
 
THANH PHONG
 
 
 

.