(Báo Quảng Ngãi)- Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
[links()]
Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37; quán triệt nội dung Chỉ thị số 37 và Quyết định số 416/QĐ-TTg đến cán bộ, đảng viên, người LĐ trong toàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong xây dựng quan hệ lao động (LĐ) hài hoà, ổn định và tiến bộ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hiện toàn tỉnh có 5.493 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, trong đó có 113 DN có tổ chức công đoàn và có thoả ước LĐ tập thể.
|
Cán bộ Sở LĐ-TB&XH tư vấn pháp luật lao động cho người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: PV |
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tấn Đối cho biết, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi hướng dẫn, tiếp nhận thỏa ước LĐ tập thể của các DN. Hằng năm, tổ chức công đoàn tại các DN đã tổ chức đối thoại, thương lượng thỏa ước LĐ tập thể. Nội dung thoả ước LĐ tập thể bảo đảm theo quy định của pháp luật và triển khai thực hiện tốt. Các chế độ về việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh LĐ và các quyền lợi khác đối với người LĐ có lợi hơn theo quy định của pháp luật LĐ.
Từ năm 2019 - 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 45 lớp tập huấn kiến thức về pháp luật lao động, với 9.380 lượt người tham gia; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật LĐ trong công nhân LĐ. Đồng thời, thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, đối thoại định kỳ, kiểm tra việc xây dựng quy chế dân chủ tại các DN. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm có khoảng 95 cuộc đối thoại trong các DN. Có 97 DN ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người LĐ. |
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra một số ít vụ khiếu nại cá nhân, nội dung khiếu nại chủ yếu là việc chấm dứt hợp đồng LĐ, nợ đọng BHXH, dẫn đến việc chậm giải quyết các chế độ cho người LĐ. Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, không để kéo dài tranh chấp làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua không để xảy ra tranh chấp LĐ tập thể.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ LĐ.
Công đoàn các cấp và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật LĐ trong các loại hình DN; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn cơ sở trong DN, nhất là công đoàn cơ sở khối DN ngoài nhà nước; tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc giữa tập thể người LĐ với chủ sử dụng LĐ, giữa người LĐ với ban chấp hành công đoàn cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hoà trong DN.
Khuyến khích sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng LĐ vào cơ chế tham vấn, đối thoại ba bên giữa cơ quan quản lý nhà nước về LĐ, người sử dụng LĐ, người LĐ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ LĐ; tham gia đề xuất các biện pháp giải quyết các tranh chấp LĐ, đình công không đúng quy định của pháp luật ở DN. Quan tâm đến công tác Đảng, đoàn thể, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua của DN, đảm bảo đời sống của công nhân và tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
V.YẾN