Những vườn xuân giữa phố

11:01, 15/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tận dụng những khoảng trống trong vườn nhà, nhiều nông dân nơi phố thị đã cần mẫn gieo trồng, chăm sóc những vườn hoa để bán trong dịp Tết. Đằng sau những vườn hoa rực rỡ sắc màu là niềm tin, hy vọng của các gia đình về một năm mới sung túc, đủ đầy. 
 
Những vườn hoa hút khách
 
Những ngày cuối năm, khu vườn rộng gần 200m2 của lão nông Lê Chưa (77 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), được phủ kín bởi những giàn hoa dạ yến thảo, triệu chuông, hải đường... Theo ông Lê Chưa, trước đây, các dòng hoa này chủ yếu được các cơ sở mua từ tỉnh Lâm Đồng. Kỹ thuật trồng các loại hoa xuất xứ từ Tây Nguyên khó hơn so với các loại hoa truyền thống ở địa phương. Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, từ 5 năm trước, ông Lê Chưa đã mày mò trồng thử nghiệm và nhân rộng thành công mô hình trồng các loại hoa để phục vụ thị trường Tết. Thời điểm này, vườn hoa của gia đình ông có hơn 2.000 chậu đang bước vào thời kỳ trổ hoa, thu hút khách đến tham quan và đặt mua.
 
Lão nông Lê Bảy, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc các chậu dạ yến thảo để bán tết. Ảnh: Đông Yên
Lão nông Lê Bảy, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) chăm sóc các chậu dạ yến thảo để bán tết. Ảnh: Đông Yên
Còn ông Lê Bảy (62 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), cũng đang tất bật trưng bày các loại hoa nhà trồng, để phục vụ khách hàng trong dịp Tết. Bên cạnh những loại hoa quen thuộc như vạn thọ, thược dược, dạ yến thảo... gian hàng hoa của ông Lê Bảy tạo ấn tượng với khách hàng bởi có gần 100 chậu hoa thiên phúc (còn gọi là hoa pháo bông), một loại hoa còn mới mẻ trên thị trường. “Năm nay, tôi trồng 900 chậu hoa vạn thọ, thược dược, 200 chậu dạ yến thảo, cẩm chướng và gần 100 chậu hoa thiên phúc bán dịp Tết. Mọi năm, phải đến ngày 20 tháng Chạp, tôi mới bắt đầu mang hoa ra trưng bày. Còn năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, dự đoán sức mua sẽ chậm, nên tôi bày bán sớm hơn”, ông Bảy chia sẻ.
 
Sinh kế của nông dân ở phố
 
Làm nghề trồng hoa đã được 3 năm, ông Bảy cho biết, cứ đến tháng 9 âm lịch, tôi bắt đầu xuống giống hoa, đến tháng 12 âm lịch thì xuất bán ra thị trường. Sau 3 tháng chịu cực, tôi thu về được từ 40 - 50 triệu đồng, đủ để trang trải chi tiêu trong cả năm.
 
Trước khi mày mò trồng hoa, ông Bảy có gần chục năm vất vả mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác. “Gia đình tôi từng có 3 sào ruộng ở phường Nghĩa Chánh, nhưng bị thu hồi để làm đường. Tôi chuyển qua làm nghề chạy xe ba gác. Nhưng chạy hoài cũng mỏi, nên chuyển qua trồng hoa. Tôi mừng vì nghề trồng hoa vừa có thu nhập, vừa được vui thú điền viên”, ông Bảy trải lòng.
 
Từng là một nông dân sản xuất giỏi của phường Chánh Lộ, nhưng sau khi Nhà nước thu hồi gần 2.000m2 đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, ông Nguyễn Tấn Tín (65 tuổi) chuyển sang nghề trồng hoa. “Nhiều năm nay, tôi mượn khuôn viên còn để trống của Trường Đại học Phạm Văn Đồng và các lô đất ở mà người dân chưa xây nhà để trồng các loại hoa không đòi hỏi diện tích đất nhiều như cẩm chướng, ly, dạ yến thảo... Ngoài ra, các khâu như đúc chậu, chăm sóc cây cảnh sau Tết, tôi đều đảm nhận. Nhờ đó, dù không còn đất sản xuất nhưng bình quân mỗi năm, tôi thu về lợi nhuận từ 100 - 120 triệu đồng”, ông Tín phấn khởi nói. 
 
Chuyển hướng sang trồng các loại hoa, cây cảnh mini bán dịp Tết đang là xu hướng được nhiều nông dân ở TP.Quảng Ngãi lựa chọn, để thích nghi với thực tế đất nông nghiệp ở phố ngày càng hạn hẹp. Những vườn hoa rộn ràng xuân sắc ấy đã trở thành sinh kế bền vững, mang lại cái Tết ấm áp, sung túc cho nhiều lão nông ở phố.
 
 ĐÔNG YÊN
 
 
 

.