Lan tỏa lòng nhân ái

04:11, 11/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Phật giáo Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
[links()]
 
Gần 2 năm qua, kể từ khi chùa Đức Lâm ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) đặt viên gạch xây dựng thì cũng là lúc ý tưởng về một không gian trong lành, môi trường sống xanh - sạch - đẹp hiện hữu trong khuôn viên chùa. Và hình ảnh Đại đức Thích Hạnh Nhân - Trụ trì chùa Đức Lâm thường xuyên cùng người dân ra bãi biển thu gom rác thải vào những ngày cuối tuần đã không còn xa lạ.
 
Từ sự thân thiện, hòa đồng và trên tinh thần “bảo vệ môi trường như bảo vệ chính mạng sống của mình”, thầy Thích Hạnh Nhân cùng người dân và các đoàn thể ở địa phương duy trì hoạt động thu gom  rác thải, bảo vệ môi trường sống ở khu dân cư, bãi biển, thực hiện nếp sống văn hóa. Chùa Đức Lâm ở gần bờ biển nên thầy Thích Hạnh Nhân luôn muốn giữ môi trường sạch, đẹp để người dân khi đến chùa được hưởng không khí trong lành, an yên.
 
Đại đức Thích Hạnh Nhân - Trụ trì chùa Đức Lâm, xã Đức Lợi (Mộ Đức) trồng cây bàng vuông để bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Thanh Thuận
Đại đức Thích Hạnh Nhân - Trụ trì chùa Đức Lâm, xã Đức Lợi (Mộ Đức) trồng cây bàng vuông để bảo vệ môi trường biển. Ảnh: Thanh Thuận
Không chỉ tham gia bảo vệ môi trường biển, thầy Thích Hạnh Nhân còn tích cực trồng cây phủ xanh bờ biển. “Do nằm sát biển nên nhà dân xây dựng tạm bợ. Mỗi mùa mưa bão về là nguy cơ tốc mái nên thầy nghĩ phải bảo vệ những mái nhà này theo cách riêng của thầy, đó là trồng cây để chắn gió, chắn cát”, thầy Thích Hạnh Nhân nói.
 
Thế là hơn 7.000 cây dương liễu, dừa, bàng vuông đã được trồng ven biển và kế hoạch của thầy Thích Hạnh Nhân là cuối năm nay sẽ trồng thêm 500 cây bàng vuông. Rừng cây không chỉ bảo vệ xóm làng, nhà dân mỗi mùa mưa bão, mà còn góp phần cải thiện không khí, chống biến đổi khí hậu, mang lại màu xanh cho quê hương...
 
Còn với  sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh - Trụ trì chùa Kim Phú ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) thì giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khó, kém may mắn trong cuộc sống. “Năm 2014, cô về trụ trì ở đây. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn lắm! Trong thôn chỉ thấy toàn người già và trẻ em, vì người trẻ thì đi lao động ở các tỉnh phía nam. Vì vậy mà nhiều trẻ em, cụ già neo đơn bữa no, bữa đói. Thế là cô mời họ về chùa sống với mình. Về với chùa là các cụ, các em nhỏ được ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc; học sinh thì được tạo điều kiện để học tập. Thời điểm dịch Covid-19 phải học trực tuyến, cô mua điện thoại cho các cháu học để đảm bảo chương trình. Giờ thì nơi đây như là nhà của họ rồi”, sư cô Tuệ Hạnh chia sẻ.
 
Trước đây, tuyến đường từ cầu B2, xã Tịnh Thọ đi Bình Hiệp (Bình Sơn) là đường đất. Mỗi khi mưa xuống thì lầy lội, nắng thì bụi mù, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Giờ đây, tuyến đường dài 2km này đã được mở rộng và bê tông kiên cố. Đây là công trình do sư cô Tuệ Hạnh vận động phật tử, nhà hảo tâm ủng hộ số tiền hơn 1 tỷ đồng để xây dựng. Từ khi con đường hoàn thành, sư cô vận động người dân trong khu dân cư trồng cây hai bên đường để tạo cảnh quan.
 
Sư cô Tuệ Hạnh cho biết, cô muốn xung quanh chùa Kim Phú luôn sạch sẽ, không khí trong lành. Vì vậy, khi phật tử, bà con đến chùa, cô đều vận động họ giữ gìn, bảo vệ môi trường. Tịnh Thọ là xã thuần nông nên trong sản xuất sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, cô đặt các ống bi ở bờ ruộng và luôn nhắc nhở người dân phải bỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi để không gây ô nhiễm môi trường.
 
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh - Trụ trì chùa Kim Phú, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) vận động làm đường bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Thanh Thuận
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh - Trụ trì chùa Kim Phú, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) vận động làm đường bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Thanh Thuận
Với triết lý “Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc”, mỗi việc làm xuất phát từ tâm của các tín đồ Phật giáo đều hướng đến niềm vui, lợi ích chung của cộng đồng.
 
Nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã gửi thư chúc mừng đồng bào Phật giáo cả nước. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận, trân trọng biểu dương và chúc mừng những kết quả hoạt động phụng đạo, yêu nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt 40 năm qua.  
 
Với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tôi tin tưởng và đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, "hộ quốc an dân”,  tinh thần hòa hợp, giá trị nhân văn, "tốt đời, đẹp đạo", cùng toàn dân đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; đồng thời chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trong năm 2022; cùng với toàn dân hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, qua đó thực hành giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Xây dựng khối đại đoàn kết
 
Từ năm 1995 đến nay, Phật giáo Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, với giá trị gần 160 tỷ đồng. Qua đó,  không chỉ lan tỏa tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” mà còn góp phần tích cực cùng với tỉnh thực hiện an sinh xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
 
Hòa thượng Thích Hạnh Lạc - Trưởng ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, với những đóng góp thiết thực thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng khối đại đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, Phật giáo Quảng Ngãi đã thực hiện đúng tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” mà hơn 2.000 năm qua Phật giáo Việt Nam đã hướng tâm thực hiện. Thành quả Phật sự mà chúng ta đạt được là nền tảng vững chắc quyết định cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, của ngôi nhà chung là "Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc".
 
Phật giáo Quảng Ngãi luôn đồng hành, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tin tưởng rằng, Phật giáo Quảng Ngãi sẽ ngày càng có nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống dân sinh và thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

 THANH THUẬN
 
 
 
 
 
 

.