(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sửa chữa, xây dựng nhà mới.
[links()]
Niềm vui của các gia đình có thu nhập thấp
Trước đây, cứ đến mùa mưa bão, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Trâm, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), lại đến nhà người thân để tránh trú. Bởi ngôi nhà xây dựng gần 20 năm qua của vợ chồng chị xuống cấp nặng, mưa dột tứ phía. Thế nhưng, mùa mưa bão năm nay, gia đình chị đã an tâm ở trong căn nhà vừa mới xây dựng vững chãi, rộng hơn 130m
2.
Từ nguồn vốn vay chương trình nhà ở xã hội và tiền tiết kiệm của gia đình, chị Nguyễn Thị Bích Trâm, ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), đã xây được ngôi nhà khang trang. |
Tương tự, anh Trần Nhất Thanh, ở thôn 4, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở theo Nghị định 100. Theo anh Thanh, bây giờ muốn xây dựng một ngôi nhà rộng chừng 100m2, có đổ sàn bê tông để tránh bão phải mất ít nhất 600 triệu đồng. Trong khi hai vợ chồng đi làm trong cơ quan nhà nước, thu nhập thấp, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nên rất khó tích lũy đủ tiền để làm nhà. “Nếu không được tiếp cận với nguồn vốn vay 350 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 4,8%/năm từ Ngân hàng CSXH, gia đình tôi không dám nghĩ tới chuyện xây nhà”, anh Thanh bày tỏ.
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh cho biết, chương trình cho vay nhà ở xã hội mang tính đặc thù, nên để giải ngân nguồn vốn này, đơn vị đã cử cán bộ tín dụng địa bàn hỗ trợ người dân rất nhiều trong các thủ tục hồ sơ, giấy tờ, đảm bảo tính chính xác. Mức vay bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/hộ. Đến nay, tổng dư nợ vay vốn chương trình này ở huyện Tư Nghĩa đạt hơn 9,1 tỷ đồng, với 24 hộ vay còn dư nợ.
Đẩy mạnh giải ngân vốn
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, tính đến cuối tháng 10/2021, tổng dư nợ chương trình cho vay nhà ở xã hội trên toàn tỉnh đạt gần 50 tỷ đồng, với 172 khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện để các đối tượng có thu nhập thấp “an cư lạc nghiệp”. Để đáp ứng nhu cầu vay của người dân trong năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh các địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn từ cơ sở, từ đó tổng hợp, xây dựng kế hoạch vốn gửi trung ương.
"Bên cạnh triển khai giải ngân vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh còn chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi đến hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn", ông Cường nói.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tập trung rà soát, ưu tiên các đối tượng thu nhập thấp, chú trọng đối tượng công nhân, người lao động chưa có nhà ở, đủ điều kiện vay vốn; phấn đấu giải ngân nhanh, chính xác, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đề xuất gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng
Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 65 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các KCN, khu chế xuất. Trong số này có gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, bao gồm: Cấp vốn 14 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay để mua, thuê hoặc xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định…
|
Bài, ảnh: HỒNG HOA