(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Quảng Ngãi triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Thực hiện đề án huyện Minh Long đã đề ra nhiều phương án, hình thức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Trong đó, tại mỗi thôn có một già làng uy tín để góp tiếng nói, tạo sự tin tưởng trong việc thực hiện đề án này.
[links()]
Hiện toàn huyện Minh Long có 25 người uy tín cùng tham gia phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tại thôn Dư Hữu, xã Long Mai có ông Đinh Văn Ầy luôn hết lòng với công tác phòng, chống tảo hôn. Vào năm 2016, khi biết có một trường hợp tổ chức đám cưới cho con khi chưa đủ tuổi, ông Ầy cùng lãnh đạo xã, thôn đến nhà vận động dừng đám cưới, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu. Vì thế, từ năm 2017 đến nay, thôn Dư Hữu không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và trở thành điểm sáng trong phong trào phòng, chống tảo hôn.
Ông Đinh Văn Ầy ở thôn Dư Hữu, xã Long Mai (Minh Long) luôn đi đầu trong phong trào vận động nhân dân phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. |
“Chúng tôi phân tích hệ lụy của việc tảo hôn như sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế khó khăn khi không có việc làm ổn định... Thôn lập ra hương ước và họp dân định kỳ mỗi tháng một lần để tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của bà con”, ông Ầy cho hay.
Không chỉ ở thôn Dư Hữu, mà cả xã Long Mai, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nên người dân đã hiểu rõ về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là trái pháp luật, ảnh hưởng đến nhiều mặt của bản thân và xã hội. Nhờ vậy, từ năm 2017 trở về trước, xã Long Mai là điểm “nóng” về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết khi có tới 13 trường hợp, nhưng đến nay giảm xuống chỉ còn 1 trường hợp.
Thời gian qua, huyện Minh Long đã chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với Phòng GD&ĐT, các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức hội nghị tuyên truyền, giáo dục về Luật Hôn nhân gia đình và sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh. Các em trong độ tuổi thanh thiếu niên được ông bà trò chuyện, chia sẻ về những hoàn cảnh nghèo khó khi lấy chồng, lấy vợ sớm cũng phần nào tác động đến suy nghĩ, nhận thức.
Em Đinh Thị Hạnh, học sinh lớp 9, Trường THCS Long Mai luôn tự nhắc nhở bản thân cố gắng học tốt để sau này có thể tìm việc làm ổn định, tránh lâm vào cảnh có chồng sớm. Em Hạnh chia sẻ: “Lấy chồng sớm, sinh con sớm cực lắm. Thấy cuộc sống của ba mẹ mình đã khổ, nên chúng em sẽ đi học, sau đó đi làm có tiền rồi mới dám có chồng”.
Huyện Minh Long còn tổ chức phổ biến pháp luật, tư vấn, cấp hơn 2.000 tờ rơi về hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức sinh hoạt tại 5 câu lạc bộ ở các thôn, xã và kiểm tra sức khỏe, giới tính, tuyên truyền phòng, chống tảo hôn cho gần 300 hội viên. Huyện còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa để người dân dễ hiểu, nâng cao nhận thức. Nhờ vậy, qua từng năm, số lượng tảo hôn giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2018 toàn huyện xảy ra 16 vụ; năm 2019 còn 9 vụ và năm 2020 còn 5 vụ.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống đồng bào miền núi, kìm hãm sự phát triển của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân bằng nhiều hình thức, như kể chuyện, sân khấu hóa, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm... để răn đe, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ”.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG