(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ gương mẫu về lối sống, ông Đinh Xuân Phăng, người có uy tín ở thôn Lăng, xã Sơn Cao (Sơn Hà) còn đi đầu trong phát triển kinh tế đồi rừng, trở thành gương sáng để người dân học tập làm theo.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giúp người nghèo có sinh kế
Trước đây, gia đình bà Đinh Thị Giố là hộ nghèo. Dù có ruộng, có vườn rộng nhưng vì không biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên cảnh nghèo khó cứ mãi đeo bám gia đình bà. Cách đây 3 năm, nhờ ông Đinh Xuân Phăng giúp đỡ, chỉ bảo phương thức làm ăn từ việc trồng bưởi da xanh, nên giờ gia đình bà Giố đã khá hơn trước. Bà Giố kể: "Những ngày đầu trồng cây, ngày nào ông Phăng cũng qua hướng dẫn cách chăm sóc, cách bón phân, tỉa cành cho cây... Giờ đây, nhiều cây đã cho quả và thương lái đến đặt hàng nên mừng lắm, mong là sẽ bán được nhiều tiền!".
Ông Đinh Xuân Phăng (bên phải) đi thăm vườn bưởi da xanh của gia đình bà Đinh Thị Giố. |
Với 8 sào đất trồng 100 cây bưởi da xanh, nếu một cây cho 10 quả, cũng đã có thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng. Đây là điều mà gia đình bà Giố chưa bao giờ nghĩ đến. Bà Giố cho hay, hồi mới trồng gia đình cũng chưa tin lắm, vì đất đai ở đây không biết có phù hợp không. Đến khi ông Phăng trồng thành công bưởi da xanh, có lợi nhuận thì nhiều người trong thôn học hỏi làm theo.
Đến nay, ông Phăng đã giúp 20 gia đình ở thôn Lăng cách làm ăn, chủ yếu là trồng cây ăn quả như mít Thái, bưởi da xanh... Ngoài ra, ông Phăng còn vận động người dân trong thôn đưa giống lúa mới vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng; vận động trồng đậu phụng xen canh để cho thu nhập cao...Với cách làm đó, từ 35% hộ nghèo, đến nay thôn Lăng chỉ còn 25% hộ nghèo.
Tấm gương sáng
Để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, trước tiên ông Phăng nỗ lực để trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, mô hình "chuyển đổi đất hoang hóa để trồng cây ăn quả" của ông Phăng được đánh giá là hiệu quả nhất của xã Sơn Cao. Với việc chuyển đổi 2ha đất hoang hóa để trồng 600 cây ăn trái như bưởi da xanh, mít Thái, xen canh đậu phụng đã cho ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Cũng trên diện tích này, ông Phăng còn thả nuôi 200 con gà, mỗi năm xuất bán 3 lứa thu lãi 60 triệu đồng.
Để có được thành quả trên, ông Phăng không ngừng tìm hiểu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thông qua sách, báo và các lớp tập huấn do huyện, xã tổ chức. Đồng thời ông còn đi tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện.
Ông Phăng cho biết: "Khi mới làm mô hình này, hầu như không ai tin sẽ thành công vì họ cho rằng khí hậu, đất đai ở đây không phù hợp với cây ăn quả. Đến khi thấy cây phát triển tốt, cho ra quả thì mọi người mới tin. Giờ thì nhiều gia đình đã học theo mình rồi. Cuộc sống của họ chắc chắn sẽ khá hơn".
Khi đã có của ăn của để, ông Phăng luôn nghĩ tới đồng bào mình và luôn giúp họ trong điều kiện có thể. Đó cũng là lý do mà người dân ở thôn Lăng tin tưởng, yêu mến ông như người trong gia đình.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Cao Đinh Ban chia sẻ: “Không những làm kinh tế giỏi, với vai trò là đảng viên, người có uy tín, ông Phăng còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; giúp nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, thôn Lăng luôn đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, loại bỏ các hủ tục lạc hậu..." .
Bài, ảnh: SA HUỲNH