(Báo Quảng Ngãi)- Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan, quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên Internet. Tuy nhiên, cộng đồng và gia đình cũng cần đồng hành để bảo vệ con em mình trước những mối nguy từ môi trường mạng.
Dù mới 11 tuổi, nhưng em Thành Nhân, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã rất thành thạo khi sử dụng Internet. Từ khi học lớp 2, bố mẹ em đã hướng dẫn Nhân vào mạng để tự học Toán và tiếng Anh, nên em thường xuyên tham gia các lớp học online, từ đó tạo sự yêu thích cho Nhân trong việc học. “Ngoài thời gian sử dụng Internet để học tập, bố mẹ cũng cho cháu 2 tiếng mỗi ngày để lên mạng xem các chương trình giải trí”, Nhân cho hay.
Trẻ em sử dụng Internet cần có sự hướng dẫn của người lớn. |
Việc trẻ em ham thích khám phá, trải nghiệm trên môi trường mạng là điều rất bình thường, bởi Internet là kho thông tin khổng lồ, với rất nhiều kiến thức bổ ích. Tuy nhiên, đối với con trẻ, Internet cũng có nhiều mặt trái, nếu thiếu đi sự giám sát của người lớn, rất dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, học tập. Điều đáng nói là nhiều gia đình chưa biết kỹ năng, hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. Do đó, dễ dẫn đến việc các em có nguy cơ bị xâm hại từ môi trường này.
Nghị quyết 121/2020/QH14, ngày 19.6.2020 của Quốc hội đã nhấn mạnh sự cần thiết khi bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho trẻ em sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn, hiệu quả, nhất là các thông tin về giáo dục giới tính, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân trên môi trường mạng; lồng ghép nội dung này trong chương trình tin học tại nhà trường... Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 4040/BND-KGVX về việc triển khai nghị quyết này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. |
Đối với chị Hồng Ánh, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), việc con có tài khoản Facebook từ khi học lớp 8 là việc khá bình thường. Con gái chị cho biết, tạo tài khoản là để xem thông tin về trường lớp và trao đổi học tập với bạn bè. Tuy nhiên, khi vào tìm hiểu, chị giật mình và lo lắng khi thấy con có khá nhiều bạn, trong đó có cả những thanh niên, người nước ngoài. Khi được hỏi thì cô bé vô tư cho rằng, hễ ai gửi lời mời kết bạn là em đồng ý.
“Tôi cho cháu tiếp xúc với Internet khá sớm, để thuận tiện cho việc học tập. Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình không thể quản lý được hết những gì con sử dụng. Vì vậy, tôi thường trao đổi với con nên like (thích), hoặc chia sẻ nội dung nào, đưa ảnh gì, kết bạn với những ai... Bây giờ thông tin trên mạng xã hội quá nhiều, có cả những thông tin tiêu cực. Bởi vậy, nếu không theo kịp để hướng dẫn, các con rất dễ phát triển lệch lạc”, chị Ánh chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Tiến Tân cho biết: Nhằm nâng hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho trẻ em kiến thức về sử dụng Internet, mạng xã hội trong các hoạt động, trại hè kỹ năng cho thiếu nhi.
Bên cạnh đó, cập nhật thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của đoàn, cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách đội về những kỹ năng cần thiết trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội để các em thiếu nhi tham gia, nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng.
Bên cạnh đó, gia đình cần giáo dục con biết kết bạn với người mình quen biết và chia sẻ thông tin với người mình biết rõ và tin tưởng; đồng thời, cần kiểm chứng thông tin, để biết thông tin đó đến từ đâu và có đúng sự thật hay không. Sử dụng Internet là nhu cầu tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, vì thế các phụ huynh, thầy cô giáo cần đồng hành với học sinh và con em mình trong việc sử dụng Internet. Từ đó, giúp bảo vệ được các em trên môi trường mạng và giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, sử dụng nó một cách thiết thực cho học tập và cuộc sống.
Bài, ảnh: PV