(Baoquangngai.vn)- Đã 30 năm kể từ khi những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất khai hoang, lập làng dưới chân dãy núi Thạch Bích. Diện mạo Làng Tranh giữa (thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long) bây giờ đã khác. Ngôi làng của 23 nếp nhà người đồng bào Hrê giờ đã được khoát lên mình một màu sắc mới, đó là sắc màu yên vui, ấm no, hạnh phúc.
TIN LIÊN QUAN
Gian nan một thuở lập làng
Già Đinh Xuân có 30 năm trong cương vị già làng, đón tôi ngay đầu một con dốc đầu làng. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, thung lũng Làng Tranh giữa hiện ra, xanh mướt của sắc keo non, cây rừng cùng dòng suối Pang Vang.
Nổi bật giữa mảng xanh ấy là những căn nhà sàn mái ngói, mái tôn của người đồng bào Hrê. Già Đinh Xuân bảo rằng: “Ngôi làng nằm dưới thung lũng ấy là linh hồn, là hạnh phúc của người dân đồng bào Hrê ở Làng Tranh giữa này đấy.
Dù đã bước sang tuổi 84, vợ chồng ông Đinh Xuân vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gian khó đặt chân đến thung lũng Làng Tranh giữa nằm dưới chân núi Thạch Bích cách đây 30 năm. Khi ấy, khoảng những năm 1987-1990, bế tắc với cuộc sống “biệt lập” đầy gian khó ở Làng Tranh Trên, nhìn cảnh những khu rừng già đã thưa dần bóng mây, không biết kiếm sống bằng gì, nhiều người rời bỏ làng đi làm ăn xa, tình cờ biết được cách Làng Tranh Trên chừng 20km hướng về đồng bằng là một vùng đất hứa, thế là giấc mơ về vùng đất mới ngày đêm thôi thúc ông Đinh Xuân.
Nhà sàn truyền thống của người đồng bào Hrê ở Làng Tranh giữa |
Nhớ lại những ngày đầu lập làng, ông Xuân cho biết: “Ngày đó, cảnh vật ở đây còn hoang sơ lắm, chỉ thấy đất đai khá tốt, một vùng cỏ tranh mọc ken dày, xa xa là tiếng nước chảy từ con suối Pan Vang, tôi nghĩ mình không nên đi đâu nữa. Lúc ấy, tôi cùng người em họ mới hạ cây dựng lều, phát quang cánh đồng, trồng mì, trồng khoai lang, chụm tay dựng vài ba bếp lửa gầy dựng cuộc sống mới tới nay”, già Xuân tâm sự.
Bây giờ, khu họ sống cách trung tâm xã chỉ khoảng 5km, gần 20 phút chạy xe máy là đến nơi. Không như trước đây, ở Làng Tranh Trên, muốn về trung tâm xã hay huyện mua thuốc men, thực phẩm phải vượt suối, băng rừng đầy hiểm trở với chặng đường 20km; hoặc phải nhờ người mua hộ, nhưng mười mấy hai mươi ngày mới có người ra xã. Cực lắm!, bà Đinh Thị Sao, vợ ông Xuân bùi ngùi nhớ lại.
Già Đinh Xuân, người đầu tiên đặt chân và tạo dựng nên xóm Làng Tranh giữa dưới chân núi Thạch Bích. |
Những người như ông Xuân, thanh niên trong làng tham gia lấp hố, khai hoang ngày ấy đã bắt đầu công cuộc phát triển vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cứ thế, nhiều năm về sau, một số hộ dân ở Làng Tranh Trên bắt đầu “rời làng” và di chuyển xuống miền đất hứa nằm dưới chân dãy núi Thạch Bích.
Ông Xuân kể: “Tôi xuống năm 1990, gia đình gồm vợ và 2 con xuống 1992. Năm 2012 là thời gian nhiều người dân từ Làng Tranh Trên kéo xuống xây dựng nhà, làm kinh tế. Họ đi, sau khi ăn xong cái Tết Nguyên đán. Nếu tôi nhớ không nhầm, thời điểm ấy có 17 hộ, bây giờ là 23 hộ sinh sống ở đây. Chúng tôi lấy tên ngôi làng là “Làng Tranh Giữa”, phần để ghi nhớ làng cũ, phần để thể hiện sự quay quần, đoàn kết ở nơi ở mới”, ông Xuân nói.
Bắt đầu một ngày mới
Đã 30 năm kể từ ngày mảnh đất ở Làng Tranh Giữa chuyển mình, những hộ gia đình như ông Đinh Xuân, chị Đinh Thị Vinh hay anh Đinh Nhân đã có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang, con cái có việc làm, trẻ con được học hành bài bản, nhưng họ chưa bao giờ thôi nhắc thế hệ sau về những năm tháng gian nan ngày cũ. Bởi có gian nan thì mới có thành quả.
Thành quả lớn là chất lượng đời sống người dân đồng bào Hrê, như Trưởng thôn Gò Tranh Đinh Xuân Rơn vui mừng chia sẻ: “Nhiều ngôi nhà cấp 4 đã mọc lên, cả xóm 23 hộ giờ chỉ còn 1 hộ nghèo. Bà con nơi đây sống nhờ trồng 25ha keo, 10ha mì và chăn nuôi. Nhiều hộ gia đình có tổng thu nhập bình quân mỗi năm 40- 50 triệu đồng. Điều đáng mừng là họ sống rất chan hòa, giữ tình làng nghĩa xóm, nhiều năm liền không xảy ra điều tiếng gì”.
Một góc tranh Làng Tranh Giữa |
Cuộc sống đã đổi thay từ những điều như thế. Nhiều người lấy làm kỳ lạ khi vùng quê này không đường, không điện, không nước sạch nhưng sự sống vẫn sinh sôi hàng ngày, như người dân nơi đây hay nói đùa: “Người trên này dùng điện chạy bằng sức nước, tuabin đặt ngoài suối nhưng may mắn con suối Pan Vang vẫn róc rách bốn mùa không bao giờ cạn. Chúng tôi nghĩ rằng đó là món quà mà thiên nhiên đã ban cho dân làng. Tôi luôn dạy bảo con cháu mình phải biết trân trọng điều này mà chăm chỉ, cố gắng làm ăn, sống tốt để xây dựng Làng Tranh Giữa ngày càng giàu đẹp”, chị Vinh chia sẻ.
Đưa chúng tôi ra cánh rừng keo sau nhà, chị Vinh chia sẻ: “Các em thấy đấy, bà con trồng keo này cứ tới mùa là bà con chặt cây bán. Nhà nào không trồng keo thì chăn nuôi, làm keo thuê hay đến mùa lại lên Tây Nguyên hái cà phê để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt. Hai năm nay, mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng đã được nhiều bà con học hỏi, nhân rộng phát triển kinh tế hộ gia đình.
"Ở đây đã lâu, cũng có nhiều người lớn tuổi nhớ làng, nhớ rừng già nên đã quay về Làng Tranh Trên, nhiều người trẻ như tôi và chị Vinh thì còn ở lại với bà con. Bây giờ, không lo thiếu thốn nữa, món gì cũng sẵn có trong nhà. Nhiều người ở phố lên đây lại “thèm” lắm cái không khí ấm cúng, thanh bình này”, anh Nhân nói.
Bài, ảnh: THỦY TIÊN