Người giữ hồn dân tộc Hrê

10:02, 29/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh các nghi thức vật chất, thì các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ không thể thiếu trong các ngày lễ, hội tết của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ. Bởi vậy, già làng Phạm Văn Sự, ở xã Ba Vinh (Ba Tơ) được xem là "cây đại thụ" của nền văn hóa dân tộc Hrê, đã tích cực truyền các kỹ năng làm nhạc cụ, sáng tác làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ...
Tiếng lòng qua mỗi thanh âm
 
Những ngày cuối năm, trên đường về thôn Nước Lui, xã Ba Vinh ruộng đồi xanh ngát. Bên nếp nhà sàn, nằm dưới chân núi Cao Muôn, già Sự cùng tham gia cúng tất niên xóm. Tiếng chiêng, tiếng đàn B’rooc, Krau, Ta lía, Đin đu... vang lên theo lời ca Ta lêu, Ca choi thật rộn ràng. 
 
Nghệ nhân Phạm Văn Sự
Nghệ nhân Phạm Văn Sự "truyền nghề" cho lớp trẻ.
Già Sự chia sẻ: "Năm qua, cuộc sống dân làng bình yên và ngày càng khấm khá nên ai cũng vui mừng. Tiếng đàn, tiếng chiêng theo đó cũng ngân vang. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Cứ mỗi mùa xuân về, người làng lại tụ tập tổ chức lễ hội. Niềm vui, nỗi buồn của bà con đều diễn tả qua các làn điệu, tiếng đàn".
 
Ngày trước, các nhạc cụ của đồng bào Hrê không hiện đại như bây giờ, đa số đều được chế tác bằng tre, bằng đồng. Mỗi loại nhạc cụ có ý nghĩa khác nhau, nhưng đa số là để giao hòa với thần linh, bày tỏ tình cảm giữa con người và con người, giữa nam nữ trong mùa xuân về.
 
Già Sự say mê các loại nhạc cụ của đồng bào mình từ lúc còn nhỏ. Năm 13 tuổi, chàng trai Phạm Văn Sự đã vào rừng lấy tre nứa tập tành chế tác. Qua bàn tay khéo léo của người đam mê âm nhạc, những thân tre, nứa trở thành những chiếc đàn B’rooc, Krau, Ta lía, Đin đu... sống động, bày tỏ cảm xúc lòng người. Đến năm 17 tuổi,  ông đã biết cách phối tiếng đàn với các làn điệu Ta lêu, Ca choi. Cứ thế qua thời gian, mỗi dịp lễ hội hay Tết đến, Xuân về, đám cưới, lên nương rẫy... già Sự đều mang các loại nhạc cụ này góp vui, để trải lòng mình.
 
Giữ gìn những điều xưa, đẹp
 
Kể từ khi mô hình nhà sàn thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) hình thành, già Sự thường xuyên được ngành chức năng, chính quyền địa phương mời đi truyền dạy làn điệu dân ca, chế tác nhạc cụ. Bên trong nếp nhà sàn, già Sự say sưa, đắm mình vào những giai điệu, thanh âm lúc trầm, lúc bổng. Những đôi nam nữ bắt nhịp theo tiếng đàn, múa hát Ta lêu, Ca choi...
 
"Tiếng đàn của đồng bào Hrê làm mê hoặc lòng người là thế, nhưng hiện nay các loại nhạc cụ hiện đại đã dần lấn át. Trong các ngày đám cưới, lễ hội, nhiều gia đình đã sử dụng loa thùng, mở nhạc để chia vui, nhưng già không cảm được", già Sự bày tỏ.
 
Già Sự cho biết: Nhạc của đồng bào Hrê nó cứ nhẹ nhàng mà sâu lắng như tiếng thở của núi, của cây, sự réo rắt của dòng suối, như tiếng hót của chim muông. Vì vậy, già muốn thế hệ con cháu của mình phải biết các loại nhạc cụ này để bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ lâu ngôi nhà của già Sự trở thành điểm đến của lớp trẻ trong làng đến học hỏi, chế tác. Già Sự còn trở thành nòng cốt trong việc giữ gìn văn hóa cội nguồn của đồng bào Hrê trong đội văn nghệ ở thôn Núi Lui.
 
Trong những năm qua, huyện Ba Tơ chú trọng bảo tồn văn hóa, các làn điệu, nhạc cụ của đồng bào Hrê nên tổ chức mở các lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ và già Sự trở thành người thầy hướng dẫn, dạy bảo tận tình cho các học viên.
 
Theo Phó trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh, già Sự từng được vinh dự mang lời ca, tiếng hát đến với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Năm 2015, già Sự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Có thể nói già Sự là cây đại thụ văn hóa của đồng bào Hrê huyện Ba Tơ. Nhờ già Sự mà các làn điệu dân ca, cách chế tác nhạc cụ được giữ gìn và phát huy.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 
 
 

.