(Baoquangngai.vn)- Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành, cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt trên địa bàn, nhằm ngăn chặn sự phát tán loài ngoại lai xâm hại này ra môi trường tự nhiên
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Hải quan Quảng Ngãi, Cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng ban, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh, phát tán… loài tôm hùm nước ngọt có tên khoa học là Procambarus clarkii trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; cung cấp thông tin kịp thời qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) |
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu nội dung hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 2417/BTNMT-TCMT ngày 27/5/2019, chủ trì, phối hợp với các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đặc điểm nhận dạng, tác hại và vận động nhân dân, doanh nghiệp không mua bán, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), trường hợp phát hiện được thì thông báo ngay cho chính quyền địa phương, các sở ngành chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm ngăn chặn sự phát tán loài ngoại lai xâm hại này ra môi trường tự nhiên; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Tôm hùm nước ngọt (hay còn gọi tên tiếng Việt khác là tôm hùm đất, tên khoa học là Procambarus clarkii). Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở Mỹ và nhiều nơi ở Nam và Trung Mỹ. Loài này cũng đã được đưa đến châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha), Châu Phi và Châu Á (Trung Quốc).
Tại Việt Nam, tôm hùm nước ngọt từng được một số đơn vị và địa phương đưa vào nuôi thử nghiệm (có kiểm soát) từ năm 2008. Tuy nhiên, xét thấy đây là loài xâm hại nguy hiểm, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo dừng nuôi thử nghiệm và cấm nuôi tại nước ta. Hiện nay, tôm hùm nước ngọt được xếp vào danh sách sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Loài tôm này có khả năng chống chịu với nhiều điều kiện môi trường thay đổi và khắc nghiệt, sinh sản nhanh, ăn tạp, phàm ăn, cả ăn động và thực vật, cạnh tranh thức ăn, có khả năng đào hang sâu, có khả năng lây truyền dịch bệnh sang các đối tượng tôm càng bản địa...
Chúng đều có thể nhanh chóng thiết lập quần đàn trở thành một loài chính trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. Sự xâm nhập của chúng có thể gây ra những thay đổi mạnh mẽ trong quần xã động vật và thực vật bản địa, đồng thời có thể gây hại cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản, đê điều, nông nghiệp, nếu thoát ra ngoài…
Tránh nhầm lẫn tôm hùm đỏ và tôm hùm nước ngọt
Cần phân biệt giữa tôm hùm đỏ (tên khoa học là Panulirus longipes) và tôm hùm nước ngọt (hay tôm hùm đất). Tôm hùm đỏ (Panulirus longipes) là một loài tôm thuộc Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tôm hùm đỏ là loài tôm rồng chân dài, là một loài tôm rồng sinh sống ở các đá ngầm san hô và đá nông ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.
Tôm hùm đỏ có vỏ láng, màu đỏ nâu hay đỏ tím có những chấm tròn nhỏ hoặc đốm màu trắng hay đỏ cam. Chúng có thể lớn tới 30cm, trung bình từ 20-25cm (0,9 đến 1kg/con). Đây là một trong những loại hải sản nổi tiếng ở những vùng biển Việt Nam. Chúng đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992-2000). Cần giảm cường độ khai thác, khai khác vào mùa không sinh sản, nghiêm cấm đánh bắt mìn và phá hủy các rạn san hô.
|
PV