(Baoquangngai.vn)- Với sự tuyên truyền, vận động tích cực bằng nhiều hình thức, nhiều lao động nông thôn, lao động tự do ở Mộ Đức đã dần nhận thức được giá trị của BHXH tự nguyện và tích cực tham gia. Họ hiểu rằng, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Điểm tựa khi về già
Nhờ được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về chính sách của BHXH tự nguyện, vợ chồng anh Lê Văn Long, 35 tuổi, thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức) đã tham gia BHXH tự nguyện từ khoảng 1 năm nay, sau nhiều năm tạm dừng do chuyển từ tỉnh Bình Dương về quê nhà lập nghiệp.
Thu nhập hiện tại từ nghề nấu bánh tét, làm ruộng, chăn nuôi vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con. Thế nhưng hằng tháng, hai vợ chồng đều dành ra một khoản tiền để đóng BHXH tự nguyện vì anh chị tự tìm hiểu và biết được rằng tham gia BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích khi về già, nhất là có lương hưu như cán bộ Nhà nước.
Thực tế, từ những năm làm việc ở tỉnh Bình Dương, nhờ được công ty đóng BHXH mà có được một nguồn trợ cấp ổn định trong khoảng thời gian cần tìm việc làm ở địa phương.
“Tôi chọn mức đóng cho mức lương tối thiểu. Mỗi tháng đóng khoảng 550.000 đồng cho cả hai vợ chồng. Nếu sau này, cuộc sống khấm khá hơn thì mình đóng với mức cao hơn”, anh Long nói.
|
Gia đình anh Long là tấm gương điển hình tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương.
|
“Tôi từng nghĩ chỉ có đi làm công nhân hoặc làm nhà nước thì mới được đóng BHXH tự nguyện, chứ nghề nông và lao động tự do làm gì có cơ hội. Đóng xong BHXH tự nguyện an tâm hẳn. Bởi lẽ, quyền lợi đảm bảo cho cuộc sống chúng tôi khi về già. Vợ chồng tự lo lấy được mà không phải phụ thuộc con cái”, anh Long nhấn mạnh.
Theo nhẩm tính của anh Long, múc đóng tương xứng với điều kiện của gia đình, nhất là ở miền quê chi phí sinh hoạt thấp hơn thành phố. Gạo, rau, thịt có thể tự trồng, tự nuôi. Nếu siêng năng và chịu tích góp vẫn có dư. Nếu sớm nắm thông tin về BHXH tự nguyện, hai vợ chồng không phải đợi đến khi đại lý đến gia đình để vận động mới đóng.
Còn theo suy nghĩ của chị Nguyễn Thị Thư, 37 tuổi, vợ của anh Long thì so với các loại hình bảo hiểm khác của tư nhân thì BHXH tự nguyện “trội” hơn về sự an toàn, đảm bảo về lâu dài cho tuổi già, cho đến khi không còn hiện diện trên cuộc sống này.
Theo chị, BHXH tự nguyện là hình thức để dành, thay vì gửi tiết kiệm thì mình gửi cho nhà nước quản lý và nhận dần để chi tiêu cho cuộc sống khi sức khỏe ở ngưỡng thấp.
“Bảo hiểm tư nhân khác ở ngoài thị trường chỉ nhận một lần, sau khi thanh toán hợp đồng. Còn BHXH tự nguyện vừa nhận được một lần, vừa nhận được hằng tháng tùy theo mỗi cá nhân lựa chọn. Được nhận lương hưu, lại còn có cả bảo hiểm y tế vĩnh viễn. Quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện ngày càng hướng về những người có thu nhập thấp nên ai cũng tham gia được”, chị Thư bộc bạch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại trực tiếp
Tham gia BHXH tự nguyện không chỉ người lao động được hưởng lương hưu mà còn được hưởng chế độ tử tuất. Người lao động nông thôn nói riêng, người tham gia BHXH tự nguyện khi “về hưu” còn được cấp thẻ BHYT do quỹ BHXH chi trả.
Đồng thời, từ năm 2018, Nhà nước còn hỗ trợ mức đóng cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo bằng 25%, hộ bình thường 10%.
Theo chị Trần Thị Thanh Hương, 50 tuổi, nhân viên thu BHXH tự nguyện- Đại lý xã Đức Lân thì trong khoảng một năm trở lại phong trào đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực, nhất là người nông dân, lao động nông thôn ở địa phương.
Để ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện và để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người tham gia, địa phương đang hướng đến tuyên truyền, vận động đến đối tượng thanh niên ở nông thôn. Vì họ có nhiều thời gian hơn để tham gia và có sức khỏe lao động, nguồn thu nhập ổn định.
|
BHXH tự nguyện giúp người tham gia có cuộc sống an tâm hơn, nhất là khi về già, không còn sức khỏe để lao động.
|
Thực tế thì BHXH tự nguyện vẫn chưa hấp dẫn, chưa có tính khuyến khích so với BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ (chế độ dài hạn gồm hưu trí, tử tuất; ngắn hạn gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ dài hạn, chưa giải quyết các chế độ ngắn hạn.
Trong khi đó, chính các chế độ ngắn hạn lại được nhiều người dân quan tâm vì giải quyết nhu cầu trước mắt, tác động tức thời vì thế số lượng người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế.
Theo Giám đốc BHXH huyện Mộ Đức Phạm Minh Viễn, từ trước đến nay trên địa bàn có hơn 100 hộ tham gia và riêng từ đầu năm nay khai thác thêm được hơn 10 hộ. Nếu như bảo hiểm y tế đã ổn định thì BHXH tự nguyện đang được tập trung đẩy mạnh ở địa phương, với mạng lưới đại lý phủ khắp huyện. Trong đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các hộ dân rất quan trọng. Chính vì vậy mà trong khoảng một năm trở lại đây, nhận thức của người dân chuyển biến rõ rệt.
“Cùng với các hình thức tuyên truyền phổ biến khác, thì công tác tăng cường đối thoại trực tiếp được đẩy mạnh. Các đại lý bán BHXH tự nguyện là những người công tác trong ngành bưu điện xã sẽ đến tận nhà để cập nhật thông tin thường xuyên cho các hộ dân ở nông thôn, lao động tự do. Đây là các đối tượng quan trọng của BHXH tự nguyện, đảm bảo cho người dân tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội “ông Viễn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Gia Nghi