(Báo Quảng Ngãi)- Công tác thông tin, tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ ứng phó sang chủ động phòng tránh, tiến tới quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, sự phối hợp hành động của chính quyền các cấp và người dân trong việc phòng chống thiên tai (PCTT).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều hoạt động thiết thực
“Có bản đồ theo dõi đường đi của bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nên tôi chủ động hơn trong việc di chuyển và kịp thời tìm nơi neo đậu, tránh trú an toàn, để phòng tránh bão, ATNĐ và những hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển”, ngư dân Nguyễn Văn Hùng, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), cho biết. Thông thường, ngư dân theo dõi diễn biến thời tiết qua bản tin thời tiết được phát trên máy ICOM.
Tuy nhiên, khi xảy ra mưa bão, ATNĐ, sóng máy ICOM thường bị nhiễu, thông tin gián đoạn, khiến ngư dân không kịp cập nhập diễn biến. Chính vì vậy, có trường hợp ngư dân di chuyển tàu đi tránh bão, ATNĐ, nhưng lại gặp bão, ATNĐ, vì không nắm bắt kịp thời, chính xác diễn biến và đường đi của bão, ATNĐ.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các em học sinh sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. |
Từ khi có bản đồ, cộng với sự hướng dẫn của lực lượng bộ đội biên phòng, ngư dân đã nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa những diễn biến bất thường của thời tiết, giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do bão và ATNĐ gây ra. Và thực tế, từ năm 2010 đến nay, không có một ngư dân nào của Quảng Ngãi bị thiệt mạng, không một tàu cá nào bị đắm do bão trên biển, hoặc không nắm được thông tin thời tiết.
Trong khi đó, diễn tập PCTT cũng đã giúp người dân biết và nắm bắt được những tình huống thiên tai có thể xảy ra, cũng như cách triển khai các biện pháp ứng phó. “Tham gia diễn tập PCTT, tôi không chỉ biết được cụ thể những địa chỉ có thể tránh trú, di dời; mà còn biết thêm nhiều cách chằng chống nhà cửa, kê gác tài sản đơn giản, nhưng an toàn”, ông Nguyễn Minh, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) chia sẻ.
Về phía chính quyền, việc thực hành diễn tập PCTT cũng giúp họ có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức và triển khai các phương án ứng phó với mỗi tình huống. Đặc biệt là cách nắm bắt và cung cấp thông tin thiên tai sao cho vừa kịp thời, chính xác, vừa “an dân”, nhưng vẫn nâng cao ý thức chủ động sẵn sàng ứng phó. “Đây là một trong những yếu tố quyết định đến mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì nếu cung cấp thông tin không kịp thời và chính xác sẽ khiến người dân hoảng loạn, hoặc chủ quan”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương Võ Đình Chí cho biết.
Cần tiếp tục nhân rộng
Thời gian qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã phối hợp với Dự án Quản lý thiên tai, Tổ chức cứu trợ trẻ em, Tổ chức Plan, Tổ chức Malteser International, Dự án GCF... triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức diễn tập phương án PCTT cho hàng chục nghìn người dân và trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, giúp người dân và cộng đồng có cái nhìn toàn diện về hậu quả của thiên tai, góp phần nâng cao nhận thức, phối hợp trong việc phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Thời gian tới, song song với việc tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức PCTT cho cộng đồng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã lập kế hoạch diễn tập ứng phó với bão mạnh, lũ lớn; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 76 của Chính phủ về PCTT và Kế hoạch 66 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về PCTT, từ 15 - 22.5. Đồng thời, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng 16 trạm thủy văn chuyên dùng (gồm 10 trạm đo mưa và 6 trạm đo mực nước tự động), để nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THANH PHONG