(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, BHXH tỉnh triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các thủ tục để hưởng chế độ BHXH ngắn hạn. Đây là bước đổi mới của ngành BHXH trong tiến trình cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động.
Chế độ BHXH ngắn hạn là số tiền được trích từ tiền bảo hiểm để chi trả cho các trường hợp người lao động ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Bất kỳ người lao động nào đóng bảo hiểm đều có quyền được hưởng chế độ này. Từ năm 2018 đến nay, BHXH tỉnh đã chi trả các chế độ bảo hiểm ngắn hạn qua phần mềm điện tử. Các công đoạn giao dịch nhanh chóng, chính xác.
Người dân thực hiện thủ tục bảo hiểm ở bộ phận "một cửa" của BHXH tỉnh. |
Với hơn 5.000 lao động, gần như tháng nào, Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất cũng có đối tượng được hưởng chế độ BHXH ngắn hạn. Chị Mai Hồng Nhung, nhân viên Phòng Nhân sự phụ trách công tác giao dịch điện tử các chế độ cho người lao động cho biết: Nếu trước đây, giao dịch với cơ quan BHXH mất thời gian vì phải đi lại nhiều lần, mọi công đoạn làm thủ công, thì nay qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giúp công ty gặp nhiều tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí và độ chính xác cao trong quá trình giải quyết chế độ cho người lao động.
Từ khi có ứng dụng, nếu lãnh đạo đi công tác thì có thể dùng chữ ký điện tử... “Tuy nhiên, bên cạnh nhũng tiện lợi trên, thì quá trình giao dịch, đơn vị cũng còn phải gửi chứng từ gốc bằng giấy cho phía BHXH tỉnh. Công ty mong muốn, thời gian đến mọi chứng từ liên quan đến chế độ người lao động đều scan lên hệ thống điện tử, giúp đơn vị tiết kiệm tối đa thời gian hành chính”, chị Nhung đề nghị.
Trưởng phòng Giải quyết chế độ (BHXH tỉnh) Bùi Thu Hằng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít đơn vị ngại thay đổi khi thực hiện giao dịch điện tử, do phải làm các bước đăng ký, cài đặt phần mềm, tốn kém chi phí hoặc điều kiện hạ tầng CNTT chưa đồng bộ ở một số vùng, miền núi trong tỉnh. Chính vì vậy, đến nay việc triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giải quyết chế độ ngắn hạn vẫn chưa đồng bộ 100%.
Để triển khai tất cả các chế độ BHXH ngắn hạn trong giao dịch điện tử và kiểm soát chặt chẽ quỹ BHXH, ngành BHXH cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nhập dữ liệu khám, chữa bệnh đầy đủ được ghi trên các hồ sơ, giấy tờ trên các chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư 56/2017/TT-BYT vào cổng thông tin giám định BHYT toàn quốc, theo định dạng dữ liệu thống nhất của BHXH Việt Nam để thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Phụ trách BHXH tỉnh Tiêu Sinh, thời gian qua, BHXH tỉnh luôn nỗ lực thực hiện cải các hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm mang lại sự thuận lợi, hài lòng cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch. Riêng việc thực hiện giao dịch hồ sơ BHXH, BHYT qua mạng Internet đến nay đã có 3.539 đơn vị thực hiện giao dịch, chiếm 99,5%. Thời gian tới, BHXH tỉnh xác định sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiến tới giao dịch điện tử trên các lĩnh vực của ngành.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG