(Baoquangngai.vn)-
Thời tiết nắng nóng trên diện rộng đang đẩy nguy cơ cháy rừng ngày càng cao. Để phòng chống cháy rừng, ngành chức năng phải có giải pháp hữu hiệu và người dân cần hết sức cẩn trọng trong việc đốt thực bì, phát dọn rừng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tháng 3.2018, khu rừng giáp ranh giữa huyện Nghĩa Hành và Minh Long đã bốc cháy dữ dội, uy hiếp hàng chục ha rừng trồng của người dân địa phương. Mặc dù chủ rừng đã chủ động huy động người dân và nhờ đến lực lượng phòng cháy chữa cháy, nhưng đám cháy kéo dài 2 tiếng đã thiêu rụi gần 3ha rừng trồng.
Đó là một trong 3 vụ cháy rừng xảy ra ở Quảng Ngãi trong năm 2018, gây thiệt hại gần 13ha rừng của hàng chục hộ dân. Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy chủ yếu vẫn là do các hộ dân chủ quan trong việc đốt thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Cộng với thời tiết hanh khô kèm gió mạnh, đã gây ra thiệt hại lớn.
Nhiều vụ cháy rừng xảy ra với nguyên nhân chủ yếu do người dân bất cẩn trong việc đốt thực bì |
Bà Nguyễn Thị T.- một hộ trồng rừng giải bày: Nếu không đốt thực bì, phát dọn thì không có đất để trồng keo, trồng mỳ. Nhà nước chỉ cấm đốt rừng tự nhiên, còn đây là rừng trồng của mình. Nếu có cháy thì cháy cây của mình thôi.
Chính ý nghĩ chủ quan này của nhiều hộ dân mà những năm qua, trung bình có 2-4 vụ cháy rừng do người dân đốt thực bì. Mặt khác, công tác chữa cháy rừng còn lúng túng, việc huy động lực lượng chữa cháy gặp khó khăn. Đó là chưa kể phương tiện chữa cháy còn thô sơ, chủ yếu là thủ công.
Điển hình là ở Minh Long, có hơn 23.700ha rừng tự nhiên. Trong đó, hơn 12 nghìn ha là rừng sản xuất. Tuy nhiên, việc trang bị công tác phòng chống cháy rừng cũng rất thô sơ.
Do phương tiện chữa cháy còn thô sơ, lực lượng mỏng và địa hình đồi dốc cao nên một khi xảy ra cháy rừng thì thiệt hại rất nặng nề |
Ông Trần Văn Cường- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Minh Long cho biết: Việc trang bị chữa cháy chưa đáp ứng khi có cháy xảy ra. Phương tiện chữa cháy vô cùng thiếu thốn, khi có cháy xảy ra thì giải pháp chủ yếu vẫn là dập lửa thủ công. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khi có cháy lớn thì phương tiện chữa cháy không thể đến tận nơi vì đường đi khó khăn, không có đường giao thông.
Riêng xã Thanh An của huyện miền núi này hiện có hơn 2 nghìn ha rừng, nhưng chỉ có 1 nhân viên hợp đồng bảo vệ và phát triển rừng nên việc huy động lực lượng chữa cháy gặp khó khăn.
Ông Đinh Ê Hoàng- Chủ tịch UBND xã Thanh An bày tỏ: Vấn đề phòng cháy chữa cháy rừng của địa phương gặp nhiều cái khó. Phương tiện chữa cháy thô sơ, lực lượng mỏng, dân cư lại sinh sống không tập trung.
Tỉnh Quảng Ngãi có gần 334.300 hecta rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng trồng, chủ yếu là keo và bạch đàn trên 193 nghìn ha. Diện tích rừng phần lớn tập trung ở 6 huyện miền núi. Hầu hết rừng đều nằm ở địa hình phức tạp, độ dốc cao nên công tác xử lý đám cháy luôn gặp khó.
Thêm vào đó, ý thức phòng cháy chữa cháy rừng của một bộ phận chủ rừng chưa cao. Nhiều chủ rừng bất hợp tác trong việc xây dựng đường băng cản lửa hoặc sử dụng lửa bất cẩn trong quá trình đốt thực bì nên nguy cơ cháy rừng luôn hiện hữu trong mùa khô.
Để phòng chống cháy rừng ở Quảng Ngãi, công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức các hộ trồng rừng là điều vô cùng quan trọng |
Theo Công điện của Bộ NN&PTNT, Miền Trung – Tây Nguyên là 1 trong 3 khu vực đang có nguy cơ cháy rừng cao. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tập trung duy trì lực lượng chốt, tuần tra cháy rừng ở các vùng trọng điểm.
Ông Nguyễn Đại- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời điểm hiện nay, cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp IV, cấp V. Nguy cơ cháy rừng rất cao đến cực kỳ nguy hiểm. Từ tháng 3-8 mỗi năm thường khô kiệt và các vụ cháy rừng thường xảy ra trong thời gian này.
“Chi cục tham mưu cho Sở NN&PTNT triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng ngay từ đầu mùa khô. Trước hết là tuyên tuyền phòng cháy chữa cháy rừng cho các hộ trồng rừng. Vì mọi biện pháp phải xuất phát từ ý thức của người dân”- ông Đại nói thêm.
Thực tế cho thấy, với công tác trang bị chữa cháy rừng như hiện nay thì khó có thể dập tắt đám cháy khi có cháy lớn. Chính vì vậy, Quảng Ngãi cần xác định phòng chống cháy rừng chủ yếu phòng là chính. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới từng người dân để mỗi người dân nâng cao ý thức về phòng chống cháy rừng, hạn chế cháy rừng xảy ra và ngăn chặn kịp thời khi có cháy.
Bài, ảnh: Thiên Vương