(Báo Quảng Ngãi)- Chọn hướng xuất khẩu lao động (XKLĐ), nên nhiều thanh niên ở làng biển Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) đã có thu nhập khá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc sống đổi thay
“Theo con đường bê tông đến xóm Thành A, thôn Cổ Lũy gặp những ngôi nhà cao tầng nằm sát mép biển là đến “thủ phủ” của làng XKLĐ. Lúc đầu làng chỉ có vài thanh niên đi xuất khẩu, nhưng nay thì hầu như nhà nào cũng có người đi lao động ở nước ngoài. Nhờ XKLĐ mà cuộc sống của bà con đã ổn định hơn nhiều”, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Đỗ Minh Cường cho hay.
Ngồi trong ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới, ông Phạm Chí Ba tự hào: Đây là thành quả của người con trai thứ hai đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Ở đây, hầu như ai có nhà cao cửa rộng đều nhờ nguồn tiền từ các con đi XKLĐ”.
Một góc làng xuất khẩu lao động ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi). |
Cả đời bám biển, ông Ba biết biển giã khó lường. Vì vậy, vợ chồng ông quyết định cho bốn người con ăn học và khuyên con lớn XKLĐ sang Hàn Quốc. Từ năm 2012 đến nay, hằng năm con ông đều đặn gửi tiền về cho gia đình. Việc ra khơi của ông hôm nay chỉ để vơi bớt nỗi nhớ biển.
Tháng 5.2018, ông Võ Mình, ở thôn Cổ Lũy cũng dành dụm tiền cho con là Võ Văn Hào làm thủ tục XKLĐ. Mất mẹ sớm, hiểu nỗi nhọc nhằn và nguyện vọng của cha, nên anh Hào đã học tiếng Hàn để được XKLĐ. Với nghề cơ khí đã được đào tạo bài bản, cộng tính cần cù, chấp hành tốt kỷ luật, mỗi tháng anh Hào có thu nhập gần 30 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, cuộc sống của cha con ông Mình dần ổn định.
Từ vài hộ XKLĐ hiệu quả, đến cuối năm 2018, làng Cổ Lũy có đến 47 lao động xuất khẩu sang các nước Nhật, Hàn Quốc, với mức lương bình quân 30 – 35 triệu đồng/tháng.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Theo ông Đỗ Minh Cường, toàn xã có 3.389 hộ dân, với hơn 15.770 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chủ yếu bám ruộng đồng và biển khơi, nên còn khó khăn. Do đó, XKLĐ là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế, tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Chính vì vậy, xã khuyến khích thanh niên đăng ký tham gia.
Vợ chồng ông Phạm Chí Ba vui mừng trao đổi về kết quả xuất khẩu lao động của con trai. |
Tịnh Khê đang thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích học sinh học tiếng nước ngoài và học nghề để đi XKLĐ. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho con em trong xã có nhu cầu XKLĐ vay vốn để chi phí ban đầu. Nhờ đó, đến nay ở xã Tịnh Khê lượng người XKLĐ khá cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã có 15 lao động đăng ký đi lao động ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bài, ảnh: M.HẠ