Người dân tự góp tiền xây cầu dân sinh

11:03, 18/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Là một xóm thuần nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng 17 hộ dân ở xóm Thanh Thủy, thôn 1, xã Đức Tân (Mộ Đức) vẫn tự nguyện đóng góp 100%  vốn để  xây dựng  cây cầu  bê tông nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại. 
Cây cầu "mơ ước" của cả xóm
 
Cụ Nguyễn Thị Ba (92 tuổi) thổ lộ rằng, cũng phải hơn 90 năm nay cụ mới được tận mắt thấy cây cầu bê tông mà cụ hằng mong ước. Cụ Ba cho biết, tự bao đời nay, người dân xóm này muốn qua lại phải di chuyển trên một cây cầu nhỏ được ghép bằng các thanh tre tạm bợ, rất nguy hiểm. Lũ trẻ nếu không có cha mẹ đưa đón thì không tới trường được, vì cầu không chỉ ngập mà mỗi lần nước lớn, cầu trôi, bà con phải làm đi làm lại nhiều lần.
 
Mỗi lần nhà nào có đám tang, cưới hỏi thì xác định "đau đầu" với chuyện gửi nhờ xe ở đâu phía ngoài đường rồi khách đi bộ vào. Theo nhiều người, "trần ai" nhất là trường hợp xe đám tang chạy vào không lọt nên người dân phải dùng cáng để khiêng, nhưng cũng không may khi người khiêng bị trượt chân xuống sông. 
 
Hồi giờ, không ai trong xóm này nghĩ đến chuyện làng mình sẽ có một cây cầu bê tông. Bởi trước mặt là sông Thoa, sau lưng là cánh đồng lúa, xóm Thanh Thủy tựa như một “cù lao” được bao bọc bởi sông nước mênh mông. 
 
cA
Cây cầu bắc qua khu dân cư Thanh Thủy, xã Đức Tân (Mộ Đức) được xây kiên cố từ sức mạnh đồng thuận của dân.
 
Cho đến một hôm, trong lần qua nhà anh Nguyễn Văn Tín ở trong xóm, ông Võ Văn Mười- Xóm trưởng xóm Thanh Thủy mới bày tỏ mong muốn cây cầu tre được bê tông kiên cố. Nghe vậy, anh Tín lập tức tán thành và hứa sẽ ủng hộ số tiền 70 triệu đồng để hỗ trợ bà con làm lại cầu mới. Cùng lúc đó, thông qua anh Tín, chị Huỳnh Thị Phương (ở TP.HCM) cũng hỗ trợ cho bà con thêm 60 triệu đồng. 
 
Ông Mười về bàn bạc với bà con trong xóm cùng nhau bê tông cây cầu. Khi ý kiến được nêu ra, hầu như toàn bộ bà con ủng hộ nhiệt tình, với phương châm "tích tiểu thành đại". Nhờ sự kiên trì, cuối cùng niềm mơ ước của người dân cũng đã trở thành hiện thực. 
 
Mất thời gian đúng 1 tháng xây dựng, cây cầu bê tông xi măng dài trên 20m, rộng 3m được hoàn thành trong niềm vui sướng của 17 hộ dân xóm nghèo Thanh Thủy, thôn 1, xã Đức Tân. Xe mô tô, xe tải nhẹ, xe con có thể ra vào thuận tiện. 
 
Đồng sức đồng lòng
 
Chuyện người dân bỏ vốn 100% làm đường không phải chỉ có ở xóm Thanh Thủy này. Nhưng chuyện cả xóm chỉ 17 hộ, mà đóng góp trung bình 10 triệu đồng/hộ để làm cây cầu bê tông hơn 500 triệu đồng thì không phải địa phương nào cũng làm được. 
 
Điều đặc biệt, trong số 17 hộ dân xóm Thanh Thủy, hầu hết là người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn tham gia đóng góp tiền. Ông Mười cho hay, với những hộ khó khăn, người già, xóm ưu tiên miễn hoặc đóng góp chỉ bằng phân nửa so với các hộ khác, đồng thời góp nhiều đợt, hoặc nhiều năm. 
 
Cây câu bê tông vững chãi, tạo nên bộ mặt mới cho Thanh Thủy
Từ ngày cầu Thanh Thủy hoàn thành, các em học sinh đi lại thuận tiện hơn. 
 
Chị Lê Thị Lực cho biết, "Thấy gia đình tui hoàn cảnh mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, nhà nghèo, xóm có giảm một nửa khoản tiền đóng góp, nhưng tui không chịu. Bởi tôi nghĩ mình còn trẻ, cũng có tiền bán lúa, đàn heo sau nhà nên cũng tham gia đóng góp, nộp một lần không hết thì tui phân ra góp nhiều lần".
 
Còn bà Ngô Thị Bằng thì kể: "Khi nghe các cụ trong xóm vận động đóng góp 10 triệu đồng làm đường, ai nấy cũng đồng lòng. Riêng với gia đình tôi dù đang gặp khó khăn, heo, gà và lúa chưa bán được, nhưng gia đình cố gắng mượn bà con, anh em đóng góp cùng xóm làm cầu bê tông. Bây giờ, đường vào làng sạch sẽ, đi lại cũng sướng cái chân". 
 
Ngoài chuyện mỗi hộ gia đình hưởng lợi từ cây cầu đóng góp 10 triệu đồng và ngày công xây dựng, thì còn vận động con em trong xóm đi làm ăn xa gửi tiền ủng hộ làm cầu. Tình làng nghĩa xóm đặt lên hàng đầu, do đó khi thi công xây cầu, thợ hồ, phụ xây đều là người của xóm; đoạn đường nối dài vào xóm còn vướng đất ruộng, bà con cũng sẵn sàng hiến đất để mở đường", ông Mười phấn khởi cho biết.
 
Chủ tịch UBND xã Đức Tân, ông Nguyễn Văn Từ cho rằng, thành công này không chỉ xuất phát từ khoản tiền gom góp qua những mùa gặt của bà con. Đây còn là thành quả của tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, yêu thương, quyết tâm "thoát nghèo, vượt khó" của người dân thôn Thanh Thủy.  
 
Bài, ảnh: P.TIÊN

 


.