Lao động sau Tết: Người ly hương, người tìm cơ hội tại quê nhà

03:02, 13/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sau những ngày vui Xuân, đón Tết cùng gia đình, hàng nghìn lao động bắt đầu quay lại với công việc mưu sinh. Bên cạnh những lao động tiếp tục chọn con đường ly hương đến các thành phố lớn để mưu sinh, thì cũng có không ít người quyết định ở lại tìm cơ hội việc làm ngay tại quê nhà.
Ly hương để mưu sinh
 
Sau Tết, nhiều lao động ở các vùng nông thôn trong tỉnh lại tiếp tục xa gia đình, rời quê ra Bắc vào Nam, trở lại các thành phố lớn tiếp tục chặng đường mưu sinh thường nhật. 
 
Những ngày này tại nhà ga, bến xe và dọc theo Quốc lộ 1 tại các điểm đón khách… có rất nhiều hành khách xách hành lý, đứng chờ tàu, chờ xe để rời quê, trở lại nơi làm việc. 
 
"Phải vào Nam làm mới có đồng tiền dư dả, chứ ở nhà quanh đi quẩn lại với mấy sào ruộng thì sao mà đủ ăn, biết bao giờ mới khấm khá nổi, lấy đâu tiền nuôi con học hành và trăm thứ phải chi tiêu."- chị Nguyễn Thị Thơm nói về lý do ly hương với chúng tôi.
 
Quê chị Thơm ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa),  ở nhà chỉ có vài sào ruộng, hai vợ chồng lại không có công việc gì ổn định, cuộc sống chẳng mấy dư dả nên từ 4 năm nay, vợ chồng chị gửi con ở nhà cho ông bà để vào Sài Gòn mưu sinh.
 
 “Vào Sài Gòn tôi làm cho công ty may, còn chồng làm bảo vệ cho một công ty ở quận Tân Bình, thu nhập hàng tháng khá hơn nhiều công việc làm nông ở quê.  Hai vợ chồng chịu khó, tằn tiện chi tiêu cũng có dôi dư tiết kiệm và gửi về quê cho ông bà lo cho mấy đứa nhỏ ở nhà đi học”- chị Thơm nói. 
 
Sau những ngày đón Tết cùng gia đình, các lao động lại tất cả rời quê
Sau những ngày đón Tết cùng gia đình, các lao động lại tất cả rời quê
 
Trong dòng người rời quê sau Tết, mỗi người có mỗi tâm trạng, mỗi suy nghĩ khác nhau, nhưng họ đều có chung một mong ước là cuộc sống sẽ dần khấm khá hơn ở nơi “miền đất hứa”.
 
Khệ nệ xách chiếc vali khá lớn, đứng chờ xe ở Bến xe Quảng Ngãi, anh Huỳnh Thanh Đông ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Anh đã có trên 10 năm làm việc ở Đồng Nai. Cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh nên mới phải xa gia đình, rời quê mà đi mưu sinh, chứ có ai muốn ly hương đâu. Gia đình cũng khuyên anh nên ở quê kiếm việc gì để làm, nhưng do công việc làm ở Đồng Nai đã ổn định, lương cũng khá nên anh cũng không nỡ bỏ. 
 
“Dẫu mưu sinh nơi “đất khách quê người” rất cực và đủ những thứ chi tiêu, nhưng ít ra cuối năm về quê còn dư được ít đồng. Mình sợ về quê không tìm được công việc ưng ý, lương lại thấp” - anh Đông tâm sự.
 
Với những người chọn phương Nam là “miền đất hứa” để mưu sinh, công việc họ làm thì “thượng vàng, hạ cám”, đủ mọi ngành nghề. Phụ nữ mua bán ve chai, bán rong trái cây, bán đồ chơi trẻ con hoặc bán vé số; thanh niên có sức khỏe hơn thì làm thợ xây, làm công nhân trong các khu công nghiệp... Công việc nghe ra thì chẳng sang trọng gì, nhưng là cứu cánh cho cuộc sống gia đình ở nhiều vùng quê. 
 
Tìm cơ hội việc làm ở quê
 
Trong khi nhiều người sau Tết chọn các thành phố lớn để tìm việc làm mưu sinh thì cũng có không ít những lao động ở lại quê để tìm kiếm công việc phù hợp ở các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. 
 
“Bây giờ ở tỉnh mình đã có nhiều doanh nghiệp mở ra. Những ngày đầu năm, nhiều công ty may mặc ở Khu Công nghiệp Vsip đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn mà mức thu nhập cũng khá nên tôi quyết định lần này không vào Sài Gòn nữa mà quyết định ở quê nộp hồ sơ vào các công ty này xin việc”- chị Nguyễn Ái Hương ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) từng làm công nhân may mặc hơn 5 năm ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
 
Theo chị Hương, dù mức lương ở quê  có thể thấp hơn so với ở Sài Gòn, nhưng bù lại chị lại được gần nhà, không phải đi lại vất vả và  có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình nên chị rất yên tâm.
 
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong dịp đầu năm là cơ hội chco những lao động tìm được công việc phù hợp ở quê
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trong dịp đầu năm là cơ hội chco những lao động tìm được công việc phù hợp ở quê
 
Cũng có xu hướng tìm việc ở quê sau Tết, anh Nguyễn Văn Truyền ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) cho biết:  Trước đây anh làm cho một công ty sản xuất, lắp ráp các linh kiện điện tử tại Bình Dương với mức thu nhập trung bình gần 8 triệu đồng/tháng. Nhưng sau Tết năm nay, anh quyết định xin nghỉ việc và ở lại quê để tìm việc. 
 
“Tôi đã tìm hiểu rồi, hiện tại mức lương của người lao động của các công ty, xí nghiệp ở quê cũng gần như tương đương hoặc thấp hơn nhưng không đáng kể, thậm chí nhiều vị trí công việc lương còn cao hơn ở một số công ty ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trong khi đó, ở các thành phố lớn phải ở trọ, giá cả sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ, còn làm việc ở gần nhà lại tiết kiệm được nhiều thứ như tiền nhà trọ, tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày… nhưng sướng nhất là được về nhà hằng ngày, ăn cơm cùng ba mẹ, gặp gỡ người thân thường xuyên”- anh Truyền so sánh. 
 
Có nhiều lý do để người lao động lựa chọn ở lại quê hương tìm việc thay vì vào tìm việc làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam như trước đây như, họ đi làm sẽ gần gia đình, con cái hơn, chi phí sinh hoạt ít tốn kém hơn…
 
Cùng với đó, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh với mức lương ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp tại tỉnh đã thay đổi tác phong và môi trường sản xuất theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ tốt, chăm lo đời sống cho người lao động.
 
Chính vì thế, vùng đất “hứa” đối với nhiều người lao động trẻ bây giờ không phải tìm đâu xa xôi nữa, mà ở ngay trên chính quê nhà...
 
H.P
 

.