(Baoquangngai.vn)- Năm 2011, ngư dân Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn đã khiến không ít nhà báo ngỡ ngàng khi tung một loạt ảnh do hai cha con ông chụp tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bạch Quy là một cồn cát nằm trên vành san hô của một rạn san hô vòng của nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu của ngư dân Lý Sơn mỗi lần hành nghề ngoài vùng biển của Hoàng Sa đều ngang qua đây. Các ngư phủ coi đây như một “trạm nghỉ chân” trước khi đi sâu vào vùng biển Hoàng Sa.
Mai Phụng Lưu kể, năm 1984, trong chuyến “xuyên tết” đầu tiên ra Hoàng Sa, ông đã đặt chân lên hòn đảo này. Năm đó Lưu 20 tuổi và chưa một lần ăn tết giữa biển. Ám ảnh mãi với chàng trai trong lần đầu tiên “vừa ăn tết vừa đánh cá” ấy không phải là cảm giác xa nhà giữa ngày tết cổ truyền mà là được ghé lên đảo Bạch Quy.
Nhóm bạn chài Lý Sơn được một người đàn ông Trung Quốc khoảng trên 60 tuổi tiếp rượu. Vì cả hai không biết tiếng của nhau nên họ chỉ có thể “nói chuyện” bằng… tay cùng nâng ly thay lời chúc mừng năm mới. Ngư dân Lý Sơn thì tặng ông ta một ít cá vừa đánh được còn ông ta thì tặng lại họ rượu và thuốc lá.
Biết nhóm ngư dân là người Việt, ông ta đã đưa họ ra phía cuối đảo để thăm một ngôi mộ cỏ dại đã phủ dày. Qua cử chỉ của ông già, nhóm bạn chài đoán rằng đó là ngôi mộ của một ngư phủ Việt Nam tử nạn trên biển và trôi dạt vào đây. Thì ra xương thịt của người Việt mình luôn hiện hữu trên mỗi vuông cát giữa trùng khơi ấy. Nó như một sự tiếp nối máu xương mà ông bà mình đã từng đổ xuống Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước.
Vì trên đảo có một ông già nên ngư dân Lý Sơn gọi tên hòn đảo ấy là “Cù Lao Ông Già”. Ngay trong chuyến đi ấy, Lưu đã để ý đến một cây phong ba ở cạnh ngôi mộ này. Lưu tự nhủ lòng là phải mang cây phong ba ấy về Lý Sơn, coi như mang hương linh người xấu số ấy về với đất mẹ.
Cha con Mai Phụng Lưu đang lấy cát tại đảo bạch Quy thuộc Hoàng Sa. Ảnh: NVCC |
Phải đến 18 năm sau, năm 2002, Lưu mới thực hiện tâm nguyện ấy. Ông đã chặt nguyên cây phong ba về rồi sơn phết lên, đặt ngay giữa nhà mình ở đảo Lý Sơn. Để nhớ chuyến đi giữa tết năm ấy, ông Lưu đã gắn hoa mai cho cây phong ba này.
Bắt đầu từ năm 2005, câu chuyện “tàu lạ” xua đuổi, bắt bớ, đánh đập ngư dân Lý Sơn luôn nóng trên các trang báo. Bản thân Mai Phụng Lưu cũng đã 4 lần bị bắt, lúc thì bị thu hết cá và ngư lưới cụ, khi thì bị nhốt. Ông nghĩ, với đà này thì việc ra Hoàng Sa sẽ ngày một khó khăn hơn, dù luôn dặn lòng quyết không thôi bám biển, Lưu quyết định chụp loạt ảnh về đảo Bạch Quy này.
Tên đảo Bạch Quy có lẽ dựa vào đặc điểm của nó. Lưu kể, cứ vào mùa hè, rùa biển về đây đẻ rất nhiều. Ông quyết định chọn thời điểm ghé “Cù Lao Ông Già” đúng vào mùa sinh sản của rùa biển. Có lẽ dựa vào đặc điểm đó nên người ta đặt tên cho đảo là Bạch Quy chăng? Đây cũng là hòn đảo nằm trong số hơn 20 đảo lớn nhỏ của quần đảo Hoàng Sa có một bãi cát dài nhất. Mai Phụng Lưu và hai người con của mình đã “tác nghiệp” thay cho các nhà báo để ghi lại những tấm ảnh hiếm hoi này.
Ông già của gần 30 năm trước có lẽ đã thành người thiên cổ. nấm mộ năm nào cũng bị xóa nhòa mọi dấu vết. Lưu và một người con trai đã thắp nén nhang bái vọng. Ông cũng không quên lấy nguyên một bao cát trắng từ hòn đảo ấy về.
Đất của Tổ quốc nơi Hoàng Sa đã được Lưu mang về như một kỷ niệm sau hàng ngàn chuyến hải hành ra Hoàng Sa của ông. Nắm đất pha cát màu vàng như tên gọi “Hoàng Sa” giờ được trưng bày tại “Bảo tàng Hoàng Sa” do những người bạn yêu Hoàng Sa ở Quảng Ngãi lập ra tại TP. Quảng Ngãi.