(Baoquangngai.vn)- Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện còn 0,8% hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. ngành điện đang tập trung mọi nguồn lực để đưa ánh sáng văn minh về với các hộ dân này. Đồng thời, bảo dưỡng, duy tu đường dây, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho vùng sâu, vùng xa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đổi thay từ khi có điện
Hàng chục năm liền, nghèo đói luôn ngăn bước chân của 42 hộ dân ở tổ sản xuất Nước Con, thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ). Nhất là khi, điện lưới quốc gia chưa đến được nơi này, cuộc sống của người dân lại càng hiu hắt. Nhưng từ cuối năm 2017, người dân ở Nước Con đã đổi khác khi đón nhận “ánh sáng văn minh”. Đến nay, tròn 1 năm điện về làng là cũng chừng đó thời gian, vùng cao hẻo lánh dần đổi khác.
Tổ sản xuất Nước Con ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô dần đổi khác từ khi có điện lưới quốc gia về làng |
Đường về Nước Con vẫn còn gồ ghề, khó đi. Vào mùa mưa, bà con địa phương phải lội bộ qua nhiều quãng bùn lầy mới ra được trung tâm xã. Nhưng bù lại, người dân nơi đây có được niềm vui, động lực để vượt khó, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế vươn lên và giảm nghèo.
Từ khi có điện, cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào H’rê ở Nước Con cũng phong phú hơn nhiều. Hiện cả 42 ngôi nhà ở góc núi này đều có ti vi, đèn điện, hay nồi cơm điện, tủ lạnh, dàn karaoke hiện đại…
Già Phạm Văn Vun cư trú ở tổ Nước Con ngót nghét hơn 70 năm chia sẻ: Cả đời sống ở đây, không điện, đường đi vất vả, đến gần cuối đời thì được đón điện về làng. Có tivi để coi tin tức, biết được nhiều điều. Có các thiết bị điện thì đời sống của mình đỡ khó khăn hơn. Tôi mừng lắm!
Cùng với thôn Trà Nô, đời sống của người dân ở 7 thôn khác thuộc xã Ba Tô từ khi đón điện lưới quốc gia cũng đổi thay rõ rệt. Đó là thôn Làng Xi 1, Làng Xi 2, Mang Lùng 1, Mang Lùng 2, Làng Mạ, Rộc Măng và Mộ Lang với hơn 600 hộ dân. Có điện, người dân mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị để phục vụ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày. Cũng vì thế, kinh tế ở những nơi này ngày càng đi lên, đổi khác.
Người dân ở vùng sâu, vùng xa đón điện về nhà |
Ông Phạm Văn Phân- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tô cho biết: Ngày trước, đời sống của các hộ dân ở vùng lõm của xã vô cùng khó khăn. Nhưng 1 năm nay, nhờ có điện lưới quốc gia kéo đến từng nhà, bộ mặt của các khu dân cư nay đã đổi khác. Nhà nào cũng cố gắng phấn đấu làm ăn, để có điều kiện mua các thiết bị điện cần thiết cho đời sống. Từ đó, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Tiếp tục xóa các vùng lõm
Công trình kéo điện về xã Ba Tô nằm trong dự án cấp điện cho 40 vùng lõm của Sở Công thương phối hợp với ngành điện, có tổng kinh phí gần 900 tỷ đồng. Đến nay, đã xóa hơn 50% vùng lõm. Riêng tại xã Ba Tô, quy mô công trình gồm 9 trạm biến áp, tổng dung lượng 410 kvA được hoàn thành từ tháng 12.2017.
Ngoài đầu tư hạ tầng, dự án này còn cấp cho mỗi hộ toàn bộ đường dây từ công - tơ vào nhà, đường dây trong nhà, 2 bảng điện, 2 công tắc, 2 cầu chì, 2 bóng đèn LED tiết kiệm điện. Tổng mức đầu tư của công trình tại xã Ba Tô gần 15,3 tỷ đồng.
Sau khi công trình được bàn giao cho ngành điện, Điện lực Ba Tơ thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đường dây trước và sau công tơ. Các khu dân cư miền núi thường nằm ở vị trí xa xôi, đường đi lại vô cùng khó khăn. Để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho vùng cao, ngành điện đã nỗ lực rất nhiều.
Duy tu, bảo dưỡng đường dây là công việc thường xuyên của ngành điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho vùng sâu, vùng xa |
Anh Nguyễn Quốc Triệu- Công nhân Điện lực Ba Tơ cho hay: Ngoài công tác kiểm tra, bảo dưỡng đường dây thường xuyên, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, tuyên truyền bà con cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, công khai số điện thoại đường dây nóng, để khi có sự cố về điện thì người dân gọi trực tiếp để được xử lý một cách nhanh nhất.
Đến nay, Quảng Ngãi có 99.2% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ dân trong toàn tỉnh có điện, ngành điện đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Thanh- Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết: 0,8% hộ dân chưa có điện còn lại chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục phối hợp với Sở Công thương thực hiện phần còn lại của Dự án cấp điện cho 40 vùng lõm trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và tận dụng nguồn lực của ngành để đưa điện về các khu dân cư còn lại.
Bài, ảnh: Thanh Phương