(Báo Quảng Ngãi)- Giữa đại ngàn, lời ru con của những bà mẹ trẻ nghe sao mà xót lòng. Lấy chồng ở tuổi trăng tròn, vài năm sau đã sinh gần chục đứa con. Đông con nên đói nghèo đeo bám, cuộc sống của nhiều gia đình người Ca dong ở vùng cao Sơn Tây cứ thế không dứt được vòng luẩn quẩn "đông con-đói nghèo".
Nheo nhóc những đàn con
Mùa này ở miền sơn cước trời se lạnh, nhất là những lúc về chiều. Sau giờ học, những đứa con của chị Đinh Thị Hôn, ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (Sơn Tây) dắt nhau đi qua những đỉnh đồi về nhà. Bọn trẻ mặc chiếc áo phong phanh. Đôi dép chỉ còn nửa quay, bé Đinh Hoàng Y phải xách 1 chiếc rồi đi chân trần.
Chị Đinh Thị Vim (thứ 2 bên trái) được cán bộ y tế tư vấn phương pháp tránh thai hiện đại. |
Còn Chapy, chân mang dép nhựa chẳng nhìn thấy gót vẫn thoăn thoắt leo dốc. Cuộc sống thiếu thốn, nhưng nụ cười luôn nở trên môi của những đứa trẻ. Chúng tôi theo chân bọn trẻ về nhà. Ngôi nhà sàn nằm trên đỉnh đồi ở Nước Vương, bên trong chẳng có gì giá trị ngoài vài chiếc nồi đen sì, ít gạo trợ cấp còn sót lại dưới đáy thùng nhựa. Trong khi chờ mẹ về, bọn trẻ vào bếp lục nồi cơm đã nấu sẵn, ăn với chén muối cùng nồi canh rau rừng chưa kịp hâm nóng lại. Vậy mà chúng ăn ngon lành.
"Đồi núi cách trở nên công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ gặp khó. Trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận người dân vẫn còn những hủ tục lạc hậu và tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ”. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến hơn 50% cũng bởi cái vòng luẩn quẩn đông con -đói nghèo”.
|
Chị Đinh Thị Hôn trông già hơn nhiều so với tuổi 30. Thấy có khách lạ, chị Hôn dè dặt. Sau một hồi làm quen, chị cởi mở trò chuyện. “Lúc 14 tuổi, mình gặp anh Đinh Văn Bôn ở làng bên, thấy ưng cái bụng, rồi chúng tôi về ở chung", chị Hôn kể. Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đôi vợ chồng trẻ này có 6 đứa con lần lượt ra đời.
Đứa lớn nhất là Đinh Tony (14 tuổi), rồi đến Đinh Chapy (11 tuổi), Đinh Hoàng Y (9 tuổi), Đinh Thị Y Gái (6 tuổi), Đinh Kim Dong E (4 tuổi) và đứa con gái út 6 tháng tuổi. "Vợ chồng mình đặt tên cho con giống tên diễn viên Hàn Quốc, ca sĩ xem trên ti vi", chị Hôn nói. Nhà chị Hôn vốn đã nghèo, lại đông con nên bữa đói bữa no.
Lúc trước, gia đình chị Hôn sống ở làng dưới thấp. Năm 2009, gia đình chị di dời nhà cửa lên ở khu tái định cư, nhường đất xây dựng công trình thủy điện Đăkđrinh. Nhưng những trận mưa lũ liên tiếp gây sạt lở, vợ chồng chị cùng con cái di dời đến nơi mới trên quả đồi cao ở thôn Nước Vương. Gia đình chị nhiều lần chuyển nơi ở, nên cán bộ dân số khó tiếp cận để tuyên truyền, vận động thực hiện kế hạch hóa gia đình.
Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Liên Nguyễn Văn Nhất cho biết: “Chị Hôn không sinh con ở cơ sở y tế, mà nhờ bà mụ đỡ đẻ tại nhà. Cả 6 đứa trẻ đều như vậy. Tụi nhỏ ăn uống thiếu thốn nên bị suy dinh dưỡng".
30 tuổi, chị Hôn đã có 6 đứa con. |
Rời gia đình chị Hôn, chúng tôi đến nhà chị Đinh Thị Vim, ở chót vót trên đỉnh đồi Đăk Doa, xã Sơn Liên, nơi gần tiếp giáp với tỉnh Kon Tum. Chị Vim chưa đến 40 tuổi, nhưng trông gầy gò, khắc khổ. 17 tuổi lấy chồng, chị liên tiếp sinh con, đứa lớn cách đứa bé 1-2 năm, tổng cộng là 7 gái, 2 trai. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, mùa đông rét cóng, chị phải đốt lửa sáng đêm để sưởi ấm cho con.
Hai con đầu đã lập gia đình ra ở riêng. Căn nhà rộng chưa đầy 30m2 được ghép lại bởi những tấm ván cùng mảnh bao dán chằng chịt chắn gió lùa là nơi trú ẩn của 9 con người. Những đứa trẻ sống trong cảnh nghèo khó, lớn lên đi rẫy, làm keo thuê phụ ba mẹ nuôi em. “Ngày nào vợ chồng mình đi làm tận rừng sâu, sáng dậy nấu nồi cơm, mang một ít đi rẫy, còn lại mấy đứa nhỏ ở nhà đói thì tự lấy ăn”, chị Vim nói.
Toàn huyện Sơn Tây có hàng chục hộ sinh con thứ 5 trở lên. Riêng các xã Sơn Liên, Sơn Tân, Sơn Tinh, mỗi địa phương có gần chục gia đình có từ 6 đến 9 con. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hằng năm toàn huyện dao động gần 15%. |
Bi hài chuyện “kế hoạch hóa”
Cán bộ chuyên trách dân số xã Sơn Liên Đinh Thị Kim Châu kể chuyện một số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ mà cười ra nước mắt. Dù đã được hướng dẫn cách uống thuốc tránh thai, vậy mà một tháng sau chị Vim mang bầu, đến bắt đền cán bộ dân số. “Cán bộ cấp thuốc uống có thai nên không uống nữa”. Hỏi ra mới biết là chị Vim uống không đúng cách, mấy viên thuốc sắt uống xen với thuốc tránh thai, rồi bữa nhớ, bữa quên.
Cán bộ dân số cũng "khổ sở" với gia đình chị Hôn. Nhiều lần chị Châu đến nhà tuyên truyền, tư vấn phương pháp giảm sinh, chồng chị Hôn lớn tiếng xua đuổi, không cho cán bộ vào nhà: “Con tui đẻ, tui nuôi, có bắt mấy người nuôi đâu mà tới”. "Đường sá đi lại xa xôi không vất vả bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Nguyên nhân nhiều gia đình đông con cũng một phần do áp dụng phương pháp "kế hoạch" không đúng cách, dẫn đến “vỡ" kế hoạch", chị Châu chia sẻ.
Chị em phụ nữ Ca Dong Sơn Tây được cấp phát tài liệu về DS-KHHGĐ. |
Mới đây, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tổ chức đợt vận động, hướng dẫn thực hiện KHHGD tại xã Sơn Liên. Chị Hôn là người được tư vấn đầu tiên. "Bác sĩ ơi, sợ đẻ lắm rồi, giờ phải làm sao bác sĩ”.
Còn chị Đinh Thị Vim sau khi được tư vấn, đủ điều kiện dùng que cấy tránh thai, nhưng khi lên bàn thực hiện thì chị toan bỏ chạy. Cán bộ y tế phải tư vấn hết lời mới thuyết phục chị quay trở lại làm dịch vụ. Chị Vim thì thầm: “Sợ que cấy tránh thai đâm vô tay như vậy không đi làm rẫy được để nuôi con, nhưng nghe cán bộ giải thích nên giờ không sợ nữa”...
Chúng tôi rời miền sơn cước trong cơn mưa chiều nặng hạt. Hình ảnh những đứa trẻ gầy nhom với khuôn mặt lấm lem trong ngôi nhà tranh phên, nứa lá ấy khiến chúng tôi không sao quên được. Lời ru buồn của những bà mẹ trẻ giữa đại ngàn chẳng biết rồi đây có dừng lại, hay lại tiếp tục với những đứa trẻ chào đời, sinh sống trong cảnh đói nghèo. Vòng luẩn quẩn đói nghèo tiếp diễn, công tác giảm nghèo bền vững ở vùng cao lại thêm gian nan.
Bài, ảnh: KIM NGÂN