(Baoquangngai.vn)- Với dáng vẻ hiền lành chân chất, trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ, ít ai biết rằng anh Bùi Quang Trung (30 tuổi) quê ở xã Tịnh Hòa, TP.Quảng Ngãi đang là chủ “thương hiệu” trong lòng rất nhiều người con Quảng Ngãi đang sinh sống tại TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ nỗi nhớ nhà...
Nằm cuối con đường Thống Nhất, quận Thủ Đức, TP.HCM, quán ăn "Món ngon Quảng Ngãi" của chàng trai trẻ xứ Quảng được mọi người tìm đến rất đông. Ngày thường thì có từ 500-700 lượt khách. Dịp cuối tuần thì số lượng khách ghé đến phải hơn 1.000 người. Chủ quán và nhân viên thì nói chuyện bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt.
Theo lời anh Trung, năm 2001, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trung “chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Ròng rã suốt 5 năm anh làm đủ thứ nghề, từ bốc vác, làm thuê. Số tiền tích cóp được cũng vừa đủ để anh theo học nghề làm tóc, làm thuê cho một tiệm tóc ở quận Thủ Đức, TP.HCM.
“Có một người khách vào hớt tóc cũng là người Quảng Ngãi tâm sự là anh nhớ quay quắt những món ăn đặc sản của quê nhà. Nhiều khi thèm mà ở Sài Gòn thì kiếm đâu ra mấy món ăn của quê hương. Lắm lúc thèm đến mức phải vượt chặng đường dài để lên quận Tân Bình mới có, nên tôi có ý tưởng mở một quán ăn đặc sản Quảng Ngãi từ đó”, anh Trung kể.
Anh Trung luôn tự hào về những món ăn đặc sản của quê hương. |
“Nuôi” ý tưởng suốt 3 năm, trải qua công việc hớt tóc thuê anh cũng làm quen được nhiều người Quảng Ngãi và tích lũy được chút vốn liếng. Năm 2013, anh mạnh dạn mở quán lấy tên “Món ngon Quảng Ngãi”. Tất cả các món ăn, nguyên liệu đều được "nhập nguyên chất” từ quê nhà.
“Gọi là quán cho sang, thực ra lúc đầu chỉ là vài cái bàn nhỏ đặt dọc theo vỉa hè, nằm sâu trong con hẻm Hàn Thuyên, quận Thủ Đức. Lúc mở quán mọi người xung quanh nói mở quán ở đây thì bán cho ai. Nhưng dần mọi người cũng quen và ghé nhiều hơn, nhiều người còn trở thành khách ruột” của quán. Có nhiều người đặt don, xu xoa về ăn nguyên tuần. Đặc biệt, có những khách đồng hương, ban đầu chỉ ghé để ủng hộ anh em, nhưng rồi ghé mãi, vì tìm được một chốn để “lâu lâu thèm đồ quê thì ăn cho đỡ nhớ”, anh Trung chia sẻ.
Từ một người thợ hớt tóc thuê đến ông chủ của một nhà hàng trên mảnh đất Sài thành là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ, khâm phục. Tuy nhiên, để có được thành quả ấy là chặng đường nỗ lực không ngừng của chàng trai xứ Quảng này. "Quyết định vay mượn người thân, bạn bè để mở rộng cửa hàng hơn 1.000m2, khi đó tôi như đánh cược một mất một còn. Bởi vì nếu thất bại thì tôi sẽ không có tiền trả khoản nợ đã vay, sẽ làm mất lòng tin bạn bè, người thân", anh Trung chia sẻ.
Thời gian đầu, khách hàng chủ yếu là đồng hương Quảng Ngãi, nhưng hiện nay thì quán có rất nhiều khách hàng khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Giờ đây, cửa hàng của đôi bạn trẻ này đã có hàng trăm khách hàng thân thiết với gần 20 món ăn, diện tích cửa hàng hơn 1.000m2. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh Trung thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Đến món ăn đậm vị quê
Ban đầu anh Trung chỉ kinh doanh bánh ướt, don, bánh bèo. Về sau nhận được sự ủng hộ rộng rãi của mọi người, anh mở rộng thêm xu xoa, bánh xèo, mít trộn và cả những gia vị của quê hương như tỏi, nén, cá bống, mắm nêm,… Những món ăn dung dị, gần gũi mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất và con người xứ Quảng.
Vị “mặn mòi” vốn có của người miền Trung được anh lưu giữ kỹ lưỡng qua từng khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. “Thường thì người miền Trung vào đây mở quán hay giảm bớt độ mặn, thay vào đó là vị ngọt để khách hàng dễ ăn hơn, nhưng mình muốn giữ nguyên hương vị đặc trưng. Hiển nhiên, lúc đầu phần đông khách hàng ăn không quen, nhưng họ vẫn ghé đến thường xuyên nên không có lý do nào để thay đổi”, anh Trung tâm sự.
Ngồi thưởng thức món don, anh Lê Văn Trung- một người Quảng Ngãi chia sẻ: “Vào Sài Gòn lập nghiệp đã 10 năm rồi, cũng như bao người khác, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ canh cánh trong lòng, đặc biệt mình rất thèm những món ăn trông đơn giản nhưng đượm hương vị quê nhà. Mình cũng như nhiều người khác sinh sống và học tập ở Sài Gòn, nghe đâu có bánh xèo, don là dù xa mấy cũng tìm đến. Qua lời giới thiệu của bạn bè, mình tìm đến quán “Món ngon Quảng Ngãi” từ khi mới mở và bây giờ đã thành khách quen của quán”.
Những món ăn dung dị, đơn giản nhưng lại được nhiều người tìm đến thưởng thức. |
“Tôi muốn khách tới quán không chỉ được ăn ngon mà còn có được cảm giác như đang ở quê hương Quảng Ngãi. Nhiều khách hàng cho biết họ từng ăn tại một số quán bán món Quảng Ngãi nhưng muốn tới quán Món ngon Quảng Ngãi vì có cảm giác như đang ngồi ở vườn quê nhà, ăn món ngon từ sông, đồng ruộng. Từ đó, yêu cầu đặt ra với mình đó chính là nguyên liệu phải lấy từ Quảng Ngãi vào. Con hến đánh bắt từ sông Trà Khúc vừa bùi, vừa ngọt khác hẳn với con hến được tìm thấy ở Sài Gòn", anh Trung phân tích.
Giờ đây, giữa lòng thành phố Sài Gòn, quán “Món ngon Quảng Ngãi” không chỉ là niềm vui của đôi vợ chồng trẻ mà còn của nhiều người con Quảng Ngãi xa quê. Hình bóng quê nhà được tái hiện ngay trên đất khách quê người. Những món ăn mộc mạc, dân dã như chính con người của mảnh đất miền Trung.
Những người con xa xứ đến đây cảm nhận quê hương trong hương vị món ăn, được nói chuyện thoải mái bằng tiếng địa phương, điều mà ở một thành phố rộng lớn và đông đúc như TP.HCM khó có thể tìm thấy được. Còn với những người ở các tỉnh, thành phố khác, họ tìm đến để thưởng thức những món ăn đặc sản Quảng Ngãi, tìm hiểu thêm về mảnh đất và con người Quảng Ngãi.
Bài, ảnh:
P.TIÊN