Vẳng xa tiếng thoi đưa...

10:10, 07/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những triền dâu xanh ngắt nằm dọc bãi bồi ven sông Phước Giang thuộc các xã Hành Nhân, Hành Dũng (Nghĩa Hành) giờ không còn nhiều, nhưng thoảng đâu đó vẫn có một mùi thơm của tằm nhả tơ và vọng lại âm thanh của tiếng thoi đưa.

Sông Phước Giang là nơi hội tụ của các con sông, suối từ huyện Minh Long đổ về. Hằng năm, nhờ lượng phù sa sông mẹ bồi đắp, người dân đôi bờ sông Phước Giang đã trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Những năm 80 của thế kỷ trước, bên dòng sông Phước Giang là những triền dâu xanh ngút tầm mắt, vang vọng tiếng thoi đưa. Nghề trồng dâu, nuôi tằm một thời đã đem lại cuộc sống no đủ cho người dân ở làng quê này.

Dấu xưa bên dòng Phước Giang

Ông Lê Văn Tùng, ở thôn Kim Thành (xã Hành Dũng) nhớ lại: "Hồi trước, làm ruộng ba năm không bằng nuôi tằm một lứa". Nghề nuôi tằm rất vất vả, nên người xưa có câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng". Chu kỳ của tằm chỉ có 21 ngày, từ khi nở đến lúc trưởng thành phải phân làm 4 giai đoạn.

 

 Lá dâu cho tằm ăn phải ráo và sạch.
Lá dâu cho tằm ăn phải ráo và sạch.

 

Giai đoạn quyết định thành bại của lứa kén là từ tuổi 2 đến tuổi 4, lúc này con tằm ăn rất mạnh, liên tục cứ 3 - 4 giờ, bất kể ngày đêm, khuya sớm, cũng phải cho tằm ăn một lần. Thức ăn cho tằm là lá dâu khô ráo, vì nếu ăn lá ướt, tằm sẽ sinh bệnh. Vì vậy, muốn có thức ăn cho tằm, khi hái phải chọn thời điểm ráo mù sương. Nếu gặp mưa phải hong lá cho khô, rồi xắt nhỏ như lá thuốc.

“Nhọc nhất là khi tằm đến tuổi 4 (giai đoạn tằm ăn rỗi), hầu như cả làng đều phải dậy từ 3 giờ sáng. Người vệ sinh thay phân cho tằm, người cho tằm ăn, người xắt lá dâu, hái lá, bắt kén...”, ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân kể.  

Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, sau giải phóng trên địa bàn xã có hàng trăm hộ dân trồng dâu nuôi tằm. Thế nhưng, do đầu ra của tơ sợi gặp khó khăn, thu nhập từ sản xuất kén thấp so với thu nhập từ nhiều cây trồng khác trên cùng chân đất, nên diện tích trồng dâu ngày càng bị thu hẹp và nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa mai một dần.

Những tưởng tiếng thoi đưa sẽ rơi vào dĩ vãng, cây dâu không còn đất sống, nhưng nhờ những người yêu nghề, nên nét xưa của nghề trồng dâu nuôi tằm ở làng quê ven sông Phước Giang nay vẫn còn, tuy rằng không nhiều như thuở trước. Ông Lê Văn Nhàn (57 tuổi), ở thôn Kim Thành, xã Hành Dũng cho biết: "Tôi làm nghề nuôi tằm đã hơn 12 năm.

Nghề này tuy không còn hưng thịnh, nhưng vắng nó lòng cứ ray rứt, nên cố giữ lấy nghề". Xem nghề trồng dâu nuôi tằm là niềm vui, nên ngày nào cũng vậy, vợ chồng ông Nhàn lại lọ mọ với cây dâu, con tằm. Trong mỗi góc nhà của người dân bên sông Phước Giang vẫn còn đó những chiếc nong, chiếc né, mái chòi... gợi nhớ về một thời hưng thịnh trồng dâu nuôi tằm.  

Những năm 80 của thế kỷ trước, diện tích trồng dâu nuôi tằm trong tỉnh có đến 300ha, nhiều nhất là bên sông Phước Giang. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ đã mai một. Những năm gần đây, lụa tơ tằm được nhiều người ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực ưa chuộng nên nghề dệt tơ tằm bắt đầu được đầu tư trở lại. Tuy nhiên, diện tích trồng dâu trong tỉnh đã thu hẹp, giờ chỉ còn khoảng 60ha.

Nhớ hương tơ tằm

Đã không còn làm nghề nuôi tằm hơn 5 năm, nhưng mỗi khi tằm nhà bên đến kỳ thay vỏ, chuẩn bị làm kén, ông Lê Văn Tùng lại nôn nao nhớ nghề. Ông Tùng bảo: “Con tằm ở giai đoạn chuẩn bị nhả tơ, ươm kén thân vừa mềm, vừa tỏa ra một hương thơm rất đặc biệt".

Ngày đó, cứ đến tháng Giêng, tháng Hai khi cơn lũ đi qua, những bãi dâu bên sông Phước Giang trở nên xanh rì, cả làng cùng nhau đi mua trứng tằm. Sau một đêm, trứng tằm nhỏ như hạt cải nở bung ra thành những con sâu nhỏ li ti. “Lúc này hồi hộp lắm. Cả nhà quay quần bên những chiếc nong dâu thay phiên nhau xắt lá cho tằm ăn cho đến khi thu hoạch”, ông Tùng nhớ lại.

Còn với ông Nguyễn Văn Lợi, ở bên cạnh nhà ông Tùng, thì không sao quên được hình hài của con tằm từ khi nở cho đến khi nhả tơ. Ông Lợi cho hay: “Con tằm sau khi ăn rỗi đến tuổi 4 là nằm ngủ hiền lành. Sau một đêm trở mình thay vỏ là nó tiết ra một mùi thơm của cỏ úa, của lá dâu đã được xử lý tỏa khắp cả gian nhà. Sáng ra thấy nó trắng phau, đầu giương cao, khỏe mạnh. Đây là giai đoạn nó ăn mạnh. Một ngày cho ăn đến 8 lần. Sau 5 ngày ăn, thân nó trở màu vàng óng ánh trông rất đẹp. Nó bắt đầu nhóm lại trong nong, đầu giương cao là biết con tằm đến kỳ nhả tơ. Tôi chỉ việc hốt đưa lên giàn né là nó tự động đi tìm chỗ thích hợp để làm kén”.

Bây giờ, nhiều người đã rời xa nghề nuôi tằm, ươm tơ. Thế nhưng mỗi sớm mai thức dậy, nghe âm thanh của tiếng vỗ nong, thoảng bay mùi thơm của cỏ úa trong mùa tằm ươm tơ là những bậc cao niên trong làng lại nhớ về hình ảnh những cô thôn nữ nghiêng vành nón lá, tay thoăn thoắt hái lá dâu, ươm tơ dệt lụa. Mặc tấm áo lụa tơ tằm mát rượi, mấy ai còn nhớ đến nghề trồng dâu nuôi tằm bên sông Phước Giang hưng thịnh một thời.


 Bài, ảnh: MAI HẠ





 


.