(Báo Quảng Ngãi)- Vốn hằng ngày quen với việc cầm cuốc, cầm rựa, giờ chuyển sang học nghề, được tiếp xúc với dây điện, máy hàn, tiện... nên nhiều thanh niên ở miền núi rất bỡ ngỡ, nhất là thanh niên người dân tộc thiểu số. Song, chỉ trong một thời gian ngắn, những thanh niên ở các huyện miền núi nói chung, huyện Tây Trà nói riêng đã nhanh chóng bắt nhịp được với việc học nghề và tự tin khi được nhận vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn ở KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
Đến nay, huyện Tây Trà có 26 thanh niên được nhận vào làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất là một tín hiệu vui trong công tác giải quyết việc làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số. Anh Hồ Văn Nguyên phấn khởi nói: Công việc rất vất vả, áp lực hơn làm rẫy rất nhiều, nhưng được cái là có thu nhập cao và ổn định. Anh Nguyên còn cho biết, tiền lương hằng tháng ngoài việc trích một ít gửi về giúp đỡ bố mẹ, còn lại anh sẽ tích lũy để làm vốn lo cho bản thân và gia đình sau này. Đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều thanh niên trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh.
Do điều kiện kinh tế và phương tiện đi lại khó khăn, nên nhiều thanh niên ở các huyện miền núi trong tỉnh ít muốn xuống thành phố để học nghề. Thấu hiểu tâm lý đó của thanh niên, đồng thời giúp các bạn trẻ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, Huyện đoàn Tây Trà đã phối hợp với các trường nghề, doanh nghiệp, mời giảng viên lên tận huyện để dạy nghề cho thanh niên.
Tại huyện Sơn Tây, chính quyền cũng kết nối với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, mời giảng viên lên dạy nghề cho thanh niên. Đây được xem là một hướng đi phù hợp, vì lực lượng thanh niên trên địa bàn các huyện miền núi khá dồi dào, nhưng lại thiếu việc làm. Trong khi đó, tiêu chuẩn lao động đưa đi xuất khẩu lao động ở thị trường các nước có thu nhập cao, như Hàn Quốc, Nhật Bản thì đòi hỏi trình độ văn hóa và chuyên môn rất cao, nên thanh niên ở các huyện miền núi không đảm bảo. Vì thế , bài toán thiếu việc làm đối với thanh niên ở miền núi vẫn đang là một thách thức không nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn cho biết, các nghề như xây dựng, may, nông nghiệp khá phù hợp với trình độ của người lao động trên địa bàn các huyện miền núi. Sau khóa học, nhiều lao động được nhận vào làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh và có thu nhập ổn định, hạn chế tình trạng ly hương đi làm ăn xa.
Thời gian qua, tỉnh ta luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ về chi phí ăn ở, đi lại cho người lao động khi học nghề, qua đó giúp họ yên tâm theo học để có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Như vậy, chủ trương lên núi dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số là đúng đắn, cần tiếp tục triển khai và nhân rộng.
NGỌC VIÊN