(Baoquangngai.vn)- Dù sống giữa trung tâm huyện Sơn Tịnh, gần 70 hộ dân ở thôn Hà Nhai Nam, xã Tịnh Hà vẫn phải chịu cảnh điện yếu, chập chờn và mất an toàn trong suốt 23 năm qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Đèn chiếu sáng mà ưng thì sáng, ưng thì tắt vậy đó. Cứ 2-3 tháng là phải thay bóng đèn một lần, điện yếu quá nên hư hoài”- ông Lê Hồng Hoanh ngụ ở xóm 10, thôn Hà Nhai Nam thở dài, chỉ về phía bóng đèn. Đây là thiết bị điện duy nhất được bật trong nhà vào lúc chạng vạng tối, nhưng nguồn điện sinh hoạt vẫn không đủ để cung cấp.
Gia đình ông Hoanh cũng như bà con ở xóm 10 đều có thói quen nấu cơm điện vào sáng sớm trước khi đi làm. “Nếu không nấu cơm sớm mà chờ trưa mới cắm thì phải lâm vào cảnh ăn trưa với nửa cơm, nửa gạo. Có hôm quên cắm cơm thì trưa về phải lụi cụi đi nấu cơm củi hay bếp gas mới kịp có ăn”- ông Hoanh cho hay.
Gia đình chị Luôn dùng máy ổn áp, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng điện yếu |
Nhà ông Hoanh vẫn còn may mắn hơn nhà chị Lê Thị Luôn ở cuối xóm. Nguyên dàn loa thùng, tivi của nhà chị đã nhiều năm không được sử dụng chỉ vì một lý do: “Có điện đâu mà xài, yếu quá có cũng như không!”.
Để khắc phục tình trạng này, chị Luôn từ lâu mua thêm một máy ổn áp. Tuy nhiên, điện yếu vẫn hoàn yếu. “Thời buổi 2018 rồi, mình lại sống giữa trung tâm huyện mà nhiều lúc ăn cơm phải thắp đèn cầy mới đủ sáng. Cứ tầm 10-12 giờ trưa hay 5-8 giờ tối thì dù có bật duy nhất một bóng đèn trong nhà thôi nó cũng không sáng nổi”- chị Luôn than thở.
Mùa hè vừa qua, nhiệt độ ngoài trời lúc nào cũng cao ngút, người dân xóm 10, thôn Hà Nhai Nam lại càng khổ hơn vì điện yếu. Nhất là trưa nắng, chiếc quạt điện để xua đi nóng bức cũng không chạy nổi. “Bởi vậy nên cả xóm không nhà nào bắt điều hòa dù trời nóng như đổ lửa. Có bắt thì nó cũng có chạy được đâu”- Ông Lê Văn Trung gắn bó với xóm 10 hơn 20 năm qua, lắc đầu nói.
Vừa qua, gia đình ông Trung tổ chức đám cưới cho con. Để có đèn chiếu sáng và dàn âm thanh hoạt động phục vụ cho ngày vui, ông Trung phải chạy đi thuê máy phát điện với phí tổn gần 2 triệu đồng.
Hệ thống đường dây cũ kĩ, chạy thấp gần mặt đất luôn chực chờ nguy hiểm. |
Từ năm 1995, gần 70 hộ ở xóm 10 chính thức đón nhận nguồn điện sinh hoạt. Thế nhưng, khoảng cách đường dây từ trạm biến áp đến nhà dân quá xa, hệ thống đường dây cũ kỹ nên điện áp rất yếu. Vào những giờ cao điểm trong ngày như trưa và tối, người dân không thể sử dụng điện để phục vụ việc nấu cơm, bơm nước hay chiếu sáng.
Ông Nguyễn Đinh Chính- Trưởng xóm 10 cho biết: Hơn 20 năm có điện, là chừng đó thời gian bà con lo nơm nớp mỗi khi vào mùa mưa. Hệ thống dây điện mất an toàn đã gây ra không ít vụ tai nạn về điện mỗi khi đứt gãy, chập điện. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần với ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa được cải tạo điện lưới phục vụ cho bà con.
Từ khi tiếp nhận hệ thống điện lưới Sơn Tịnh, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã tiến hành rà soát và đánh giá thực trạng điện lưới hạ áp, trong đó có hệ thống đường dây ở xóm 10, thôn Hà Nhai Nam. Ông Bùi Ngọc Diệp- Cán bộ an toàn điện chuyên trách Điện lực Sơn Tịnh nhận định: Theo quy chuẩn, để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cho người dân, thì đường dây kéo từ trạm về nhà dài khoảng 700-800m. Nhưng ở xóm 10 thì đường dây từ trạm về nhà dài đến gần 2km.
Công nhân Điện lực Sơn Tịnh kiểm tra hệ thống điện, đường dây ở xóm 10, thôn Hà Nhai Nam |
Trong khi đó, hệ thống cũ, trạm biến áp cũng đã được đầu tư từ lâu nên không còn đảm bảo nguồn điện cho người dân. Sắp tới, Điện lực Sơn Tịnh sẽ xin ý kiến của Công ty để đầu tư trạm biến áp mới và xóa hệ thống đường dây tạm cho người dân xóm 10, thôn Hà Nhai Nam.
Được biết, Công ty Điện lực Quảng Ngãi sẽ đầu tư để nâng cấp, sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn tại 3 địa phương mới tiếp nhận gồm: Minh Long, Nghĩa Hành và Sơn Tịnh. Mỗi xã thuộc 3 huyện trên được đầu tư 3 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa lại những đường dây điện bị hư hỏng, xuống cấp. Việc khắc phục này sẽ hoàn tất trong tháng 10, để đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão.
Sau mùa mưa bão này, Công ty sẽ tiếp tục kiến nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đầu tư kinh phí để tiến hành cải tạo lại toàn bộ hệ thống lưới điện tại 3 địa phương mới tiếp nhận, nhằm đảm bảo an toàn lưới điện hạ áp nông thôn. Hy vọng với kế hoạch này, người dân xóm 10 sẽ sớm thoát khỏi nỗi khổ sống chung với điện yếu suốt hơn 20 năm qua.
Bài, ảnh: Thanh Phương