Kỳ 3: Tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư
(Báo Quảng Ngãi)- Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch vùng biển đảo Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay và những năm đến là cần rà soát lại quy hoạch, kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai đầu tư hoặc đầu tư kéo dài; đồng thời tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch, kêu gọi những doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, để thực hiện các dự án có quy mô lớn, tạo điểm nhấn khác biệt cho du lịch Quảng Ngãi.
Phát huy lợi thế “đảo ngọc” Lý Sơn
Những năm gần đây, du lịch Quảng Ngãi đã có những bước phát triển mới, du khách đến tham quan ngày càng tăng; trong đó, đảo Lý Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn của phần lớn du khách. Hiện tại, cơ sở hạ tầng trên đảo chưa hoàn thiện, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn chưa đảm bảo đủ cho khách lưu trú trong những lúc cao điểm. Sản phẩm du lịch đơn điệu; các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh chưa được đầu tư tôn tạo. Dẫu vậy, chính sự đơn sơ, mộc mạc của quê hương và con người Lý Sơn đã trở thành lực hút hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Châu Me (xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ) đẹp như một bức tranh, nhưng vẫn chưa được đánh thức . Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi Nguyễn Minh Trí cho biết: Lý Sơn đang là “mỏ vàng” của ngành du lịch Quảng Ngãi, số lượng du khách đến tham quan chiếm 1/4 tổng số lượng khách du lịch đến tỉnh. Thời gian đến, ngành du lịch Quảng Ngãi tiếp tục phát huy những lợi thế đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá những vẻ đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Lý Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Trí, để Lý Sơn phát triển bền vững, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết huyện cần quy hoạch lại mạng lưới khu dân cư hợp lý. An táng người chết phải tuân thủ quy hoạch; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất hành, tỏi. Tăng cường quản lý chất lượng và số lượng các phương tiện xe ô tô; thường xuyên tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường chung; đầu tư kinh phí trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa; phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng theo hướng đa dạng các sản phẩm du lịch, hình thành đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp...
Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, trong 3 năm trở lại đây (2016 - 2018) lượng khách du lịch tăng trung bình khoảng 150.000 khách mỗi năm. Trong đó, năm 2016 toàn tỉnh đón 725.000 lượt khách, năm 2017 là 810.000 lượt khách và 9 tháng năm 2018 là 876.000 lượt khách. Tổng thu du lịch năm 2016 đạt 640 tỷ đồng; năm 2017 đạt 710 tỷ và 9 tháng năm 2018 đạt 811 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt trên 13,5%/năm. |
Nói không với những dự án "xí phần"
Một trong những nguyên nhân khiến cho ngành du lịch vùng biển đảo của tỉnh “không chịu lớn”là do việc thẩm định năng lực nhà đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, nên đã để lọt những hồ sơ xin đầu tư theo kiểu “xí phần đất vàng”. Vì thế, sau khi được cấp phép, một số chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án và luôn tìm cách giữ dự án bằng cách xin gia hạn, hoặc điều chỉnh quy mô dự án, xin chuyển nhượng dự án... Để có cơ sở pháp lý thu hồi, chấm dứt hoạt động các dự án kiểu này phải mất khá nhiều năm. Tình trạng này đã và đang diễn ra tại Khu du lịch Mỹ Khê và một số khu vực ven biển khác trong tỉnh. Do đó, tỉnh cần nói không với những dự án "xí phần", nhằm tạo sự công bằng giữa các nhà đầu tư.
Theo một số chuyên gia về du lịch, cùng với việc rà soát lại quy hoạch, tỉnh cần xác định cụ thể về thực trạng cơ sở hạ tầng, tiềm năng, lợi thế để có một chiến lược kêu gọi đầu tư phát triển hợp lý, tránh tình trạng chồng lấn trong cấp phép đầu tư. Ưu tiên thu hút những nhà đầu tư có năng lực. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để sớm đưa các dự án có triển vọng lớn đi vào hoạt động, như dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa (Tư Nghĩa); khôi phục phát triển dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng (Bình Sơn); thu hút đầu tư dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng FLC Bình Châu – Lý Sơn; các dự án ở KDL biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh và đảo Lý Sơn...
Quảng bá và xây dựng niềm tin cho du khách
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí cho rằng, địa danh Sa Huỳnh gắn liền với nền văn hóa Sa Huỳnh rất nổi tiếng, nhưng chưa được quảng bá thường xuyên, nên không kích cầu được du khách đến tham quan, du lịch. "Một số anh em trong ngành đến Quảng Ngãi, khi tham quan nơi phát tích văn hóa Sa Huỳnh và khu vực được khai quật, bảo tồn đã tỏ ra tiếc nuối, vì chưa phát huy được giá trị đặc sắc của di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Hay như những khám phá mới đây tại núi Thiên Bút cũng chưa có phương án phát huy những giá trị văn hóa đó, nên du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa ít có cơ hội được tiếp cận...", ông Trí chia sẻ.
Đối với Khu du lịch Mỹ Khê, ông Trí cho rằng, cần phải giải tỏa toàn bộ hai bên bờ sông Kinh Giang, tiến hành quy hoạch lại và thu hút những doanh nghiệp lớn vào đầu tư thì mới có thể nâng tầm cho khu du lịch này, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch Quảng Ngãi.
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết thêm: Hiện trạng du lịch biển Bình Sơn chỉ mới dừng lại ở công đoạn “đánh bắt gần bờ”. Muốn phát triển lớn mạnh, đưa các địa điểm du lịch trở thành điểm đến thường xuyên của du khách cần phải mời gọi những nhà đầu tư có tiềm năng và có quyết tâm thực hiện dự án. Đồng thời, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên đang có để phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng. Ngoài ra, cần đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối với các tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để tạo ra tour du lịch vùng biển đảo thật sự hấp dẫn du khách.
Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Phong Quảng Ngãi Lê Hồng Phong cho rằng: Với chiều dài bờ biển khoảng 130km, trải dài từ đầu đến cuối tỉnh nên Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển đảo. So với các tỉnh lân cận, thì Quảng Ngãi có nhiều bãi biển đẹp và lôi cuốn khách du lịch như biển Khe Hai, biển Bình Hải gắn với làng bích họa Gành Yến; biển Bình Châu gắn với Công viên địa chất toàn cầu; biển Mỹ Khê, các bãi biển ở Mộ Đức và biển Sa Huỳnh. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, đảo Lý Sơn có sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước, nên cần được phát huy.
“Với tư cách là một người kinh doanh du lịch, tôi vẫn thấy tiếc khi những lợi thế về du lịch biển đảo của Quảng Ngãi khai thác chưa hiệu quả. Nguyên nhân, do hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chuỗi sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn đối với du khách. Khi xây dựng các chương trình tham quan về Quảng Ngãi, đa phần các công ty du lịch chỉ đưa khách ra Lý Sơn, sau đó lại quay lại sân bay Chu Lai để khách đi nơi khác. Có những đoàn khách rất muốn tìm kiếm thêm những trải nghiệm mới trong đất liền nhưng không có, dịch vụ du lịch nghèo nàn, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, nhất là nơi vui chơi giải trí...”, ông Lê Hồng Phong nói.
P.DANH-L.ĐỨC