(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2015 - 2017, huyện Bình Sơn đã thực hiện cấp bù thủy lợi phí (TLP) cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đã thực hiện sai quy định.
Trong 3 năm (2015 - 2017), huyện Bình Sơn thực hiện chính sách cấp bù do miễn thu TLP trên diện tích 19.837ha, với tổng kinh phí 18,66 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015 - 2017, ở Bình Sơn thực hiện một số công trình, dự án, nên Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện miễn TLP, nhưng huyện không điều chỉnh giảm diện tích. Một số hồ đập sau khi được nâng cấp, sửa chữa diện tích tưới tăng lên, nhưng cũng không điều chỉnh biến động. Đặc biệt, hơn 100ha đất ở các xã Bình Phước, Bình Hòa, Bình Minh và Bình Chánh phải thay đổi biện pháp tưới, nhưng cũng không điều chỉnh...
Nhiều hồ đập ở Bình Sơn được nâng cấp đã cung cấp nước tưới cho sản xuất, nhưng huyện Bình Sơn không điều chỉnh biến động diện tích miễn thủy lợi phí. |
Theo Quyết định 55/2013 của UBND tỉnh, các HTXNN phải lập kế hoạch về diện tích tưới, tiêu nước, cấp nước và lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù số TLP được miễn theo từng biện pháp tưới, tiêu và diện tích được miễn TLP, nhưng các HTX không thực hiện. Các HTXNN cũng không lập hợp đồng, không có biên bản nghiệm thu diện tích tưới, tiêu nước, cấp nước với các hộ dùng nước... Việc ký hợp đồng đặt hàng giữa UBND huyện Bình Sơn với các HTXNN có nhiều điểm chưa đảm bảo, như việc dựa trên số liệu về diện tích và kinh phí thực hiện từ năm trước. Trong năm 2016, 2017, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng NN&PTNT tham mưu cho huyện ký quyết định phân bổ kinh phí cho Phòng NN&PTNT cấp cho các HTX cũng không đúng quy định...
Theo báo cáo giám sát của HĐND huyện Bình Sơn, năm 2016, trên cơ sở ký hợp đồng, UBND huyện Bình Sơn cấp kinh phí cho 32 HTXNN số tiền 6,63 tỷ đồng. Trong đó, cấp cho 16 HTX mà HĐND huyện Bình Sơn giám sát là 4,4 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn quyết toán cho 31/32 HTXNN. Riêng HTX An Hải, xã Bình Châu không được quyết toán, với tổng số tiền 103 triệu đồng. Nguyên nhân là HTXNN An Hải không cung cấp chứng từ tài chính cho Phòng NN&PTNT huyện. Tuy nhiên, khi quyết toán kinh phí với Sở Tài chính thì vẫn quyết toán đủ số tiền tỉnh đã cấp 6,08 tỷ đồng, trong đó có cả kinh phí 103 triệu đồng của HTX An Hải.
Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ở mỗi HTX cũng khác nhau. Có HTX chi cho công tác quản lý, điều hành 35%, chi nạo vét kênh mương và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi 75%. Có HTX chi công tác quản lý, điều hành 45%, chi nạo vét kênh mương và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi 55%...
Điều đáng nói là, việc HTXNN Bình Hòa cho người dẫn nước thu thêm tiền của các hộ dân 10.000 đồng/sào và 12.000 đồng/sào/vụ, tùy theo vị trí thửa ruộng là không đúng quy định. HTXNN Bình Tân cho người dẫn nước thu thêm của các hộ dùng nước 12.000 đồng/sào/vụ là sai quy định. Ngoài số tiền thủy lợi phí được cấp bù, HTXNN Bình Phước II còn thu thêm TLP của người dùng nước 10.000 đồng/sào; thu để đóng góp bê tông kênh dẫn nước 7.500 đồng/sào. Tổng số tiền thu năm 2015 và 2017 gần 100 triệu đồng. Riêng HTXNN Bình Dương thu thêm của người dùng nước từ năm 2015 đến năm 2017 là từ 76.000 đến 83.000 đồng/sào/năm, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.
Theo lý giải của HTXNN Bình Dương thì nguồn thu này để đắp đập bổi ngăn mặn và chi phí cho việc thực hiện tưới, tiêu vụ ớt... Tuy nhiên, theo quy định thì việc các HTXNN thu thêm một phần kinh phí trực tiếp từ các hộ dùng nước, để phục vụ bồi dưỡng cho người dẫn nước là sai quy định.
Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG