(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia đầu tư, mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân trong việc khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của một số dự án đang gặp nhiều vướng mắc.
Xây 3 năm vẫn chưa xong
Dù đã điều chỉnh kéo dài thời hạn đi vào hoạt động đến 30.6.2018, nhưng đến thời điểm này, sau 3 tháng chậm tiến độ, Dự án Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Hiện công trình này đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây lắp. Dự án Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng có quy mô giai đoạn I là 45 giường bệnh, với tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Đây là bệnh viện chất lượng cao, với đầy đủ các chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công trình khởi công xây dựng từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.
Công trình Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Phúc Hưng xây dựng đã 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. |
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng Nguyễn Huấn cho biết: “Để làm sổ đỏ, hoàn tất các thủ tục về đất theo quy định chúng tôi phải mất hơn 2 năm, nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ của dự án”. Cũng theo ông Huấn, dự kiến đến tháng 10.2018 sẽ đưa bệnh viện đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc hoàn thiện hàng chục thủ tục, giấy phép theo quy định của các sở, ban, ngành và Bộ Y tế, trong đó có giấy phép về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nước thải; an toàn bức xạ...
"Trong tháng 5.2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã đi kiểm tra tiến độ dự án và đã giao Sở Tài chính và Sở TN&MT hoàn tất các thủ tục và đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc của dự án trình UBND tỉnh trước 30.5.2018. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi cũng chưa biết đến bao giờ mới được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai để triển khai xây dựng bệnh viện".
|
Đưa bệnh viện sớm đi vào hoạt động là mong mỏi của nhà đầu tư, bởi dự án đã và đang phải vay một nguồn vốn lớn của ngân hàng để đầu tư. Được biết, hiện nay đơn vị đã tuyển dụng trên 120 nhân sự và đầu tư hàng loạt thiết bị y tế chất lượng cao. “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện để bệnh viện hoàn thành các thủ tục sớm nhất để Bộ Y tế cấp phép cho bệnh viện đi vào hoạt động”, ông Huấn nói.
Vướng quá nhiều thủ tục
Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao khởi công xây dựng tháng 6.2017, có quy mô 12 tầng, xây dựng trên diện tích hơn 11.000m2, ngay trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Dự án đầu tư theo tiêu chuẩn bệnh viện đa khoa hạng I, đạt tiêu chuẩn quốc tế, với 500 giường bệnh cao cấp, có tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng.
Dự án Khu dịch vụ Bệnh viện chất lượng cao khởi công xây dựng tháng 6.2017, đến nay vẫn chưa hoàn thành phần móng. |
Đây là dự án mà cán bộ, nhân dân trong tỉnh đặt nhiều kỳ vọng. Bởi hiện nay Quảng Ngãi chưa có bệnh viện điều trị chất lượng cao, khiến người dân đi khám, chữa bệnh ngoài tỉnh chiếm tỷ lệ cao. Theo kế hoạch, đến tháng 6.2019, dự án sẽ đưa vào vận hành. Tuy nhiên, hiện dự án triển khai quá chậm, chưa hoàn thành phần móng công trình.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế tỉnh Quảng Ngãi Lê Thanh Đức cho biết: “Dự án chậm tiến độ là do vướng các thủ tục cấp phép xây dựng. Đây là dự án lớn, quy mô bệnh viện đa khoa hạng I theo tiêu chuẩn quốc tế, nên đòi hỏi quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, thẩm định khá nghiêm ngặt. Đến nay, về thủ tục cấp phép xây dựng và các giấy phép khác vẫn còn chờ bộ, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt. Chính vì vậy, dự án chưa thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng như cam kết của nhà đầu tư”.
Với Dự án Bệnh viện Thiện Nhân, quy mô 9 tầng, với hơn 150 giường bệnh, có tổng kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng, xây dựng tại trụ sở Cục Thuế tỉnh (cũ) thì “án binh bất động”. Nguyên nhân theo chủ đầu tư là vướng các thủ tục về đất chưa được giải quyết.
Giám đốc Công ty CP Thiện Nhân Quảng Ngãi Ngô Đức Hải (chủ đầu tư Dự án Bệnh viện Thiện Nhân) cho biết: “Cuối năm 2017, UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư bệnh viện. Đây là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng một bệnh viện đa khoa hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến nay sau gần một năm, các thủ tục về cấp đất vẫn còn vướng mắc”.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án triển khai thực hiện chưa đúng như cam kết ban đầu, mà nguyên nhân theo phản ánh của các nhà đầu tư là do vướng các thủ tục hành chính là một điều đáng tiếc. Thực trạng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bài, ảnh: KN