Hạ tầng xã hội ở KCN: Quan trọng nhưng chưa được xem trọng

11:07, 02/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các khu công nghiệp (KCN) ở Quảng Ngãi hình thành, phát triển đã tạo động lực to lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, các KCN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, do thiếu hạ tầng xã hội.

Quảng Ngãi hiện có 4 KCN, với tổng quy mô hơn 540ha, gồm các KCN: Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong và Đồng Dinh. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy tại KCN Quảng Phú là 100%, Tịnh Phong là 81%; KCN Phổ Phong và Đồng Dinh đang trong giai đoạn hoàn thiện quy hoạch và hạ tầng.
 

 


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng: "Sẽ bắt buộc đầu tư đồng thời dự án hạ tầng xã hội"

Hạ tầng xã hội tại KCN là cần thiết, góp phần thu hút đầu tư. Vì thế, thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu một số giải pháp phù hợp, trước mắt là kêu gọi DN đầu tư kinh doanh hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng nhà ở cho công nhân với nhiều ưu đãi vượt trội. Bố trí quỹ đất phù hợp, tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư phục vụ người lao động. Khi lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư KCN, sẽ bắt buộc đầu tư đồng thời dự án hạ tầng xã hội. 

Mới chú trọng hạ tầng kỹ thuật

Đến nay, tỉnh đã chi gần 500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN. Tổng số dự án thu hút vào các KCN này là 98 dự án, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Hiện tại có 61 doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định, với ngành nghề chủ yếu là chế biến gỗ, sản phẩm sau đường, hải sản, may mặc, cơ khí, dịch vụ thương mại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng... Năm 2017, doanh thu của các DN này đạt 8.333 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại các KCN khoảng 15.400 người, chủ yếu là lao động trẻ; thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, về hạ tầng xã hội tại các KCN như nhà ở, bệnh viện, các thiết chế văn hóa, trường học phục vụ trực tiếp những người lao động tại các KCN hiện tại chưa có. Việc đầu tư cho KCN hiện tại mới chỉ tập trung cho hạ tầng kỹ thuật, nhằm thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chưa thực hiện đầu tư quy hoạch hạ tầng xã hội, thậm chí là chưa dành quỹ đất cho đầu tư hạ tầng xã hội. Về chỗ ở, người lao động tự lo bằng cách về nhà ở hoặc thuê nhà trọ, không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt.

Chưa xem trọng hạ tầng xã hội

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc đầu tư xây dựng KCN chưa thực hiện đồng bộ cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người lao động; ảnh hưởng đến môi trường lao động tại các DN và môi trường đầu tư của các nhà đầu tư. Hiện nay, các phòng trọ hầu hết do tư nhân xây dựng, nên điều kiện vệ sinh kém, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người lao động...

Tại nhiều cuộc làm việc về hoạt động các KCN trên địa bàn, UBND tỉnh thừa nhận, hạ tầng xã hội KCN có vai trò rất quan trọng đối với đời sống người lao động. Việc xây dựng đồng bộ khu nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình phục vụ khác cho người lao động trong KCN sẽ có tác động tốt tới tâm lý, giúp người lao động yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, qua đó góp phần thu hút đầu tư hiệu quả. Trong đó, nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, các thiết chế này vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.

  Công nhân KCN Tịnh Phong sau giờ tan ca.
Công nhân KCN Tịnh Phong sau giờ tan ca.


Cần cơ chế thích hợp

Trước đây, khi quy hoạch phát triển các KCN không tính đến việc hình thành song song với các khu dân cư, dịch vụ phục vụ cho công nhân, cho người lao động trong quá trình phát triển các KCN. Hậu quả là người lao động không có chỗ ở và dịch vụ tiện ích khác, nên chưa yên tâm làm việc, gắn bó với DN. Tính đến nay, KCN  mới được quy hoạch 1 khu nhà ở cho công nhân, với diện tích 130.000m2 đã được phê duyệt dự án và thiết kế bản vẽ thi công cách đây khoảng 10 năm, nhưng chưa có vốn để thực hiện.

Hiện nay, diện tích đất khu nhà ở cho công nhân này đã được tỉnh giao cho một DN khác thực hiện dự án. Nhiều lần, Ban Quản lý các KCN tỉnh (nay là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để thực hiện khảo sát, lập quy hoạch khu nhà ở cho công nhân lồng ghép điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Tịnh Phong, nhưng chưa nhận được chỉ đạo cụ thể.

 Công nhân Công ty may Thuyên Nguyên trong ca sản xuất.
Công nhân Công ty may Thuyên Nguyên trong ca sản xuất.


Thực tiễn đã chứng minh, cùng với phát triển của các KCN thì nhu cầu nhà ở và học tập, chăm sóc sức khỏe của người lao động sẽ tăng cao. Việc quy hoạch và dành quỹ đất hợp lý để thực hiện các công trình này là rất cấp bách và cần thiết. Về cơ chế, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh đề xuất ngoài việc xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để cho thuê, bán trả dần (trả góp), trả chậm; đầu tư bệnh viện, trường học... Đồng thời, khẩn trương thành lập quỹ nhà ở cho người lao động làm việc trong các KCN (quỹ này được hình thành dựa trên đóng góp từ ngân sách địa phương, các DN, tổ chức, cơ quan trên địa bàn), nhằm hỗ trợ tiền thuê, mua nhà cho người lao động có thu nhập thấp.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải: "Đầu tư hạ tầng đồng bộ, phù hợp, đảm bảo phát triển KCN hài hòa, bền vững"

Môi trường sống an toàn là yếu tố hết sức quan trọng trong phát triển các KCN. Ô nhiễm môi trường xảy ra ở KCN đang gây nhiều bức xúc, làm giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách phát triển các KCN tập trung. Đây cũng là yếu tố làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội của hệ thống các KCN. Vì thế cần thiết phải quan tâm đến môi trường sống, làm việc thông qua đầu tư đồng bộ hạ tầng phù hợp, đảm bảo phát triển KCN hài hòa, bền vững.

Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ: "Nhiều nhà đầu tư băn khoăn khi KCN không có hạ tầng xã hội"

Khi KCN có hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, chợ, sẽ làm cho nhà đầu tư an tâm triển khai dự án. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn làm ăn lâu dài, với lực lượng lao động ổn định, chất lượng. Nhiều nhà đầu tư khi vào tìm hiểu để đầu tư vào KCN tỏ ra băn khoăn khi hạ tầng xã hội không có. Trong khi DN chưa mặn mà đầu tư kinh doanh nhà ở trong KCN, tỉnh cần có phương án thích hợp khác, bằng mọi giá phải có hạ tầng xã hội cho KCN, đặc biệt là nhà ở.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Thuyên Nguyên Nguyễn Thị Nguyên: "Có nhà ở xã hội, công nhân sẽ bớt khó khăn"

Công nhân có được nhà ở trong KCN, việc đi lại từ nhà đến xưởng sản xuất cũng đỡ tốn kém, vất vả, tránh được nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Người lao động an tâm làm việc, DN sẽ có thêm cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh. Khi công nhân sống tại KCN ổn định, sẽ kéo theo nhiều dịch vụ thương mại khác phát triển. Điều quan trọng hơn là khi có nhà ở cho công nhân, đời sống của họ sẽ giảm bớt khó khăn, tích lũy từ tiền lương sẽ cao hơn, tạo động lực hăng say lao động, gắn bó với công việc tại nhà máy.


 THANH HUYỀN
(lược ghi)

 

 


.