Lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách: Chấm dứt sử dụng trước 31.12.2018

08:06, 11/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trước 31.12.2018, các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thành phố phải chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị hành chính hưởng lương bằng kinh phí từ ngân sách.



Không ký hợp đồng để làm việc chuyên môn


Công văn số 2843 ngày 29.7.2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức nêu rõ: Không thực hiện việc ký kết hợp đồng, để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức đơn vị hành chính. Do đó, ngày 9.4.2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 2681 yêu cầu các cơ quan, đơn vị hành chính chấm dứt HĐLĐ với người lao động ký HĐLĐ làm việc chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất thường xuyên từ năm 2019 trở đi.

 

Các thí sinh dự thi tuyển công chức tỉnh năm 2017.                                                                                                                                           Ảnh: PV
Các thí sinh dự thi tuyển công chức tỉnh năm 2017. Ảnh: PV


Sau khi có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, một số cơ quan hành chính và các huyện, thành phố đã chấm dứt HĐLĐ với nhiều lao động. Theo số liệu của Sở Nội vụ, hiện còn khoảng 200 lao động theo diện hợp đồng làm việc chuyên môn có tính chất thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Trong đó nhiều người làm việc hơn 10 năm, số còn lại có "thâm niên" từ 3-7 năm.

Trên thực tế, có nhiều đơn vị hành chính dù thiếu công chức so với chỉ tiêu biên chế, nhưng không đăng ký tuyển dụng mà sử dụng lao động hợp đồng. Nhiều đơn vị sử dụng lao động hợp đồng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao. Nhiều năm gắn bó với công việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, giờ không được tiếp tục ký hợp đồng, nhiều người lao động bày tỏ lo lắng và mong cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.

 
Khó tìm việc làm mới   


Theo một cán bộ ở TP.Quảng Ngãi, nhiều lao động hợp đồng lâu năm có kinh nghiệm, làm công việc chuyên môn rất tốt, nay phải chấm dứt HĐLĐ nên cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực tài nguyên-môi trường.

Chị B, người vừa chấm dứt HĐLĐ ở một phòng chuyên môn của huyện Bình Sơn cho biết, sau khi chấm dứt HĐLĐ thì lãnh đạo cơ quan có ý muốn ký HĐLĐ thời vụ, vì lâu nay làm việc hiệu quả, trách nhiệm cao trong công việc. Nếu Công văn số 2843 của Bộ Nội vụ được thực hiện ngay sau khi được ban hành, thì nhiều người lao động sẽ không mất đi cơ hội tìm việc. Còn bây giờ, nhiều người đã lớn tuổi, rất khó để xin việc làm mới.

Anh T, làm việc hợp đồng tại Phòng Tài nguyên-Môi trường, TP.Quảng Ngãi trải lòng: "Với những người trẻ, cơ hội tìm việc mới thuận lợi hơn, chứ người đã 35 - 40 tuổi như tôi thì rất khó xin việc, trong khi gia đình đã ổn định chỗ ở, con cái đang theo học ở trường học trong tỉnh, rất khó để đi mưu sinh ở nơi khác".
 

 

Một số địa phương sẽ thiếu cán bộ tư pháp khi chấm dứt hợp đồng lao động. (Ảnh minh họa)
Một số địa phương sẽ thiếu cán bộ tư pháp khi chấm dứt hợp đồng lao động. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết, ở khối chính quyền của thành phố còn khoảng 55 trường hợp ký HĐLĐ. Đây là những người trẻ, học hành bài bản và có năng lực, nhưng đã là quy định thì không thể làm khác được. Trước khi chấm dứt hợp đồng, thành phố thông báo trước cho người lao động từ 3 - 6 tháng, để họ kiếm việc làm mới.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết thì cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thông báo cho các lao động biết và một số đã tự xin nghỉ đi kiếm việc làm khác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu huyện chấm dứt HĐLĐ với số lao động này thì sẽ thiếu người làm việc, nhất là ở lĩnh vực tư pháp, tài nguyên-môi trường.
        

SÔNG THƯƠNG


 

Phải thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt hợp đồng lao động


Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đoàn Dụng cho biết, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản không được hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan, đơn vị hành chính và tỉnh cũng đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở, nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Đoàn Dụng, việc ban hành Công văn 2681 ngày 9.4.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy không phải là bất ngờ, bởi theo quy định tại Điều 37, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua phương thức thi tuyển. Hơn nữa, Công văn số 2843 của Bộ Nội vụ ban hành từ năm 2014 nêu rõ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Thực hiện công văn này một số đơn vị đã thông báo cho người lao động biết thời gian chấm dứt hợp đồng, để họ tự kiếm việc làm khác. Một số cơ quan và huyện, thành phố đã cho người lao động nghỉ việc.

PV: Việc chấm dứt HĐLĐ đối với những trường hợp này có dẫn đến thiếu người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính không, thưa ông?

Ông ĐOÀN DỤNG: Để tuyển dụng đủ số công chức còn thiếu, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều kỳ thi tuyển. Trong đó, năm 2017 và 2018, qua 2 đợt thi có 154 người trúng tuyển, hiện chỉ còn thiếu 49 công chức. Tuy nhiên, cũng có những vị trí qua nhiều đợt thi, nhưng vẫn chưa có người trúng tuyển. Đơn cử như có vị trí việc làm ở Sở Xây dựng, dù có 12 người dự thi (6 người có trình độ thạc sĩ), nhưng không ai trúng tuyển. Hay như ở huyện Ba Tơ có vị trí việc làm qua 2 lần thi vẫn không tuyển được người. Vì vậy, việc các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện việc ký HĐLĐ, để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ thay cho việc tuyển dụng thông qua thi tuyển là chưa đúng với quy định. Hiện, Sở Nội vụ có văn bản gửi các cơ quan, các huyện thành phố rà soát số liệu hợp đồng báo cáo trước 1.9.2018, để Sở tham mưu tỉnh giải quyết.

PV: Ông cho biết rõ hơn về hướng giải quyết đối với những trường hợp nêu trên?

Ông ĐOÀN DỤNG: Chậm nhất là ngày 1.7.2018, các cơ quan phải thông báo cho người lao động trước 6 tháng, để họ đi kiếm việc làm khác. Đối với những cơ quan, đơn vị cho rằng không có người làm việc nếu chấm dứt lao động hợp đồng, thì Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh ký văn bản hướng dẫn các cơ quan dựa trên Đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Trong trường hợp đơn vị nào thiếu người làm việc, thì đơn vị đó bố trí người kiêm nhiệm và sẽ lấy tiền của vị trí công chức đang thiếu trả cho người làm thay. Vào giữa năm 2019, trên cơ sở kết quả tinh giảm biên chế theo Quy định 108 và số công chức nghỉ hưu, cộng với số lượng biên chế còn thiếu, Sở Nội vụ sẽ tham mưu tỉnh tổ chức thi tuyển công chức.
  

B.SƠN (thực hiện)

 


 


.