(Báo Quảng Ngãi)- Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp là chủ đề chính của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018.
An toàn tại doanh nghiệp
Văn hóa ATVSLĐ đã được xây dựng, phát huy trong nhiều năm qua tại các cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn tỉnh. Việc chấp hành ATVSLĐ; chấp hành tốt các quy định về chế độ bảo hộ, nội quy lao động (LĐ), tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ... sẽ phục vụ tốt hơn cho quá trình sản xuất của DN. Các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người LĐ và chủ sử dụng LĐ, nhất là những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Tăng cường kiểm tra ATVSLĐ sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất an toàn. |
Đại diện Công ty Giày Rieker Việt Nam (KCN VSIP) cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và đơn vị tự kiểm tra trang thiết bị, nhà xưởng nhằm đảm bảo ATLĐ. Người LĐ được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh nghề nghiệp, giúp họ yên tâm làm việc.
Phương châm “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất” không còn là khẩu hiệu suông, bởi nhiều DN đã xác định sự phát triển của DN liên quan mật thiết đến vấn đề ATVSLĐ. Khi môi trường lao động an toàn, người LĐ sẽ an tâm sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả LĐ. Không những vậy, nếu lĩnh vực ATVSLĐ được quan tâm sẽ giảm thiểu nguy cơ rủi ro, giảm chi phí và nguồn lực để khắc phục rủi ro.
Phong trào “xanh, sạch, đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” được các cấp công đoàn phối hợp với chủ DN xây dựng và thực hiện cơ bản tốt. Những máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đã được DN cho kiểm định định kỳ. Phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng bằng hiện vật, chăm sóc sức khỏe cho người LĐ, chấp hành đúng thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ đối với LĐ nữ... được DN quan tâm.
Phòng ngừa rủi ro
Năm 2017, theo báo cáo của các DN, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 42 vụ TNLĐ làm ảnh hưởng đến sức khỏe 42 người, trong đó có 7 người bị thương nặng. Nguyên nhân là do không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người LĐ; tổ chức LĐ chưa hợp lý; người LĐ vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn và biện pháp làm việc an toàn; máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn; không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn...
Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Công Minh cho biết, trong Tháng ATVSLĐ, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra tại 25 đơn vị, DN trong lĩnh vực xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng. Qua đó, chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo an toàn cho con người và tài sản của DN.
Ngoài ra, các lớp huấn luyện ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, bảo hộ LĐ cho cán bộ quản lý, người sử dụng LĐ, người LĐ tại các DN được Sở LĐ-TB&XH, Sở Công thương, Công an tỉnh, LĐLĐ tỉnh tổ chức thường xuyên tại các DN. Hàng nghìn lượt người đã qua các lớp huấn luyện, nắm vững các kiến thức cần thiết về ATVSLĐ để tự phòng ngừa cho bản thân và đảm bảo an toàn trong hoạt động SXKD.
Bài, ảnh: PV