(Báo Quảng Ngãi)- Chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được thu gom, xử lý đúng quy trình, nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Song, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số cơ sở y tế công lập, tư nhân chưa tuân thủ đúng quy định trong quản lý chất thải y tế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chủ quan với chất thải lây nhiễm
Thông tư liên tịch số 58 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải y tế, khu lưu giữ chất thải tại cơ sở y tế phải có mái che, tránh để nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, có phân chia ô hoặc có dụng cụ, thiết bị lưu giữ riêng cho từng loại chất thải y tế, có vật liệu hấp thụ để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, đổ tràn chất thải y tế nguy hại, có thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn được đầu tư năm 2006, nay đã xuống cấp. |
Với chất thải y tế lây nhiễm, phải được để riêng trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa màu vàng. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 2 - 3 ngày (tùy theo khối lượng phát sinh) trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế công lập và tư nhân chưa tuân thủ nghiêm túc quy định này.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, từ năm 2014 – 2017, tổng khối lượng chất thải lây nhiễm phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là 2.462 tấn, trong đó chỉ 2.415 tấn được xử lý theo đúng quy định. |
Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm khoảng 636 tấn (chất thải lây nhiễm khoảng 47 tấn, chất thải nguy hại không lây nhiễm khoảng 3 tấn). Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn từ các khoa, phòng đến khu vực lưu giữ tạm thời trong khuôn viên bệnh viện được thực hiện tốt. Bệnh viện hợp đồng với Công ty vệ sinh Tâm Sinh Phú có các thiết bị chuyên dụng, tần suất thu gom 2 lần/ngày đảm bảo theo đúng quy định.
Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế thì nhận thấy, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại của BVĐK tỉnh dù nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện, nhưng được dựng tạm bằng tôn rất sơ sài, không đúng quy định. Còn ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, việc lưu giữ chất thải y tế lây nhiễm trong hai thùng đựng chất thải, đặt dưới tán cây, không có mái che, không dán thông tin cảnh báo bên ngoài.
Một số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh cũng chưa tuân thủ quy định về quản lý chất thải y tế. Giám đốc Công ty CP Dịch vụ y tế Minh Quang Nguyễn Phạm Thị Minh Nguyệt cho biết: Phòng khám Đa khoa Minh Quang (TP.Quảng Ngãi) nghiêm túc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, ký hợp đồng thu gom, xử lý chất thải y tế với Công ty CP Cơ – Điện - Môi trường LILAMA. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế thì nhận thấy, khu vực lưu giữ chất thải y tế lại đặt ngay phía sau phòng khám. Chất thải y tế lây nhiễm đựng trong thùng, nhưng che chắn sơ sài.
Tại Phòng khám Y khoa Hòa Hảo (Bình Sơn), thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm đặt ngay trong khu vực để xe của bệnh nhân. Mặt khác, theo quy định, cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg/ngày chỉ được lưu giữ chất thải tại cơ sở không quá 3 ngày, nhưng phòng khám chỉ hợp đồng với Công ty CP Cơ – Điện - Môi trường LILAMA thu gom 1 lần/tuần.
Hệ thống xử lý nước thải xuống cấp
Toàn tỉnh có 17 cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải gồm: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao - Bệnh phổi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, BVĐK Sơn Tịnh, BVĐK TP.Quảng Ngãi, BVĐK khu vực Đặng Thùy Trâm, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Tuy nhiên, đa phần hệ thống xử lý nước thải ở đây đầu tư từ năm 2005 -2010, đến nay đã xuống cấp.
Thùng lưu giữ tạm thời chất thải lây nhiễm của Phòng khám Đa khoa Minh Quang để chung với các loại rác thải thông thường khác. |
Còn Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, Tây Trà, Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn, các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh và 183 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Nước thải y tế phần lớn thải xuống hố ga của cơ sở hoặc xả thẳng ra môi trường. Như tại Trạm Y tế xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), hố ga chứa nước thải y tế cách nhà dân chưa đầy 15m, trong khi phần lớn người dân ở khu vực này đều sử dụng nước giếng.
Còn Phòng khám Y khoa Hoà Hảo, Phòng khám bác sĩ Hà (đều ở Bình Sơn), nằm ngay trong khu vực dân cư, nhưng các phòng khám này không đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Bác sĩ Võ Thị Thanh Hà, chủ Phòng khám Sản phụ khoa, bác sĩ Hà cho biết: “Tôi hợp đồng với BVĐK tỉnh để xử lý chất thải y tế lây nhiễm". Tuy nhiên, tại thời điểm Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh làm việc, thì bác sĩ Hà không trình được các giấy tờ liên quan đến hợp đồng thu gom chất thải y tế lây nhiễm với doanh nghiệp thu gom hoặc các sơ sở y tế khác.
Bài, ảnh: Ý THU