(Báo Quảng Ngãi)- Người trên 50 tuổi, người thì xấp xỉ tuổi 60, nhưng với tâm niệm “Còn sức khỏe, còn hiến máu”, họ vẫn tâm huyết với phong trào hiến máu nhân đạo. Với họ, hiến máu không chỉ để cứu người, mà còn là niềm tự hào, vinh dự, góp phần lan tỏa lối sống đẹp, có trách nhiệm vì cộng đồng.
Những tấm lòng cao thượng
Dẫu 8 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Văn Yến (52 tuổi), ở thôn Hiệp An, xã Phổ Phong (Đức Phổ) vẫn còn nhớ nguyên kỷ niệm lần đầu tiên “bén duyên” với công tác hiến máu tình nguyện (HMTN). Là tổ trưởng tổ dân cư số 5, ông Yến luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào xã hội của địa phương. Khi nghe thông tin về chương trình HMTN, biết mình vẫn còn nằm trong độ tuổi hiến máu, nên ông Yến liền đăng ký. Từ năm 2010 đến nay, lần nào Hội Chữ thập đỏ huyện phát động, ông Yến cũng đều tham gia.
Hình ảnh thầy giáo Lê Hữu Ngạn, 57 tuổi vẫn tham gia hiến máu, để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp với mọi người. |
Tính đến nay, ông Yến đã 8 lần hiến máu. Còn tổng cộng vợ chồng ông, cùng ba người con đã gần 40 lần hiến máu. “Vợ chồng con trai đã ra ở riêng, công việc lại bận rộn, nhưng cứ nghe cha mẹ nói sắp tới có đợt hiến máu, chúng đều sắp xếp công việc để tham gia. Không chỉ con trai mà cả con dâu cũng nhiệt tình hưởng ứng. Điều thú vị nhờ đi hiến máu, cả nhà mới biết cùng nhóm máu O, nhiều người trong xóm cũng cùng nhóm máu này”, bà Lữ Thị Tố (51 tuổi), vợ ông Yến, đã 7 lần hiến máu kể.
Sau lần đầu tiên tham gia hiến máu, ông Yến về nhà rỉ tai những người hàng xóm về ý nghĩa, lợi ích của hiến máu. Ông là thành viên tích cực ở địa phương vận động nhiều người cùng hiểu và tham gia HMTN. “Ông Yến nói, hiến máu mang lại nhiều lợi ích lắm. Trước tiên, kiểm tra được sức khỏe và chất lượng máu của mình. Điều quan trọng nữa là từ giọt máu của mình có thể cứu sống được người khác. Trong lúc mình khỏe mạnh, có những người khác không may gặp phải nguy kịch, cần tiếp máu, thì chúng ta nên chia sẻ những giọt máu của mình vì người khác. Đó là ý nghĩa vô cùng cao cả mà tôi thấu hiểu được, nên tôi cùng hai người em trai năm nào cũng tham gia HMTN”, ông Võ Minh Tùng, người hàng xóm của ông Yến bộc bạch.
Thời gian qua, Phổ Phong là xã có nhiều người dân tích cực tham gia trong những đợt hiến máu do các đơn vị tổ chức tại Đức Phổ. “Chúng tôi rất tự hào vì điều đó. Đối với người nông dân, từng giọt máu rất quý hiếm, quý hơn nữa là có thể cứu người. Ở khu dân cư, ai cũng nhiều lần đi hiến máu, đến nỗi nhân viên y tế đã quen mặt. Không chỉ gia đình hiến máu, mà cả khu dân cư cùng tham gia vào hoạt động ý nghĩa này”, ông Yến nói.
Để lại nhiều ấn tượng tại Hành trình đỏ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Phổ Nguyễn Thị Diễm Kiều, cho hay: “Tại chương trình giao lưu tổng kết 5 năm Hành trình đỏ tại Hà Nội, thành viên trong Ban tổ chức đã chia sẻ rằng, ấn tượng nhất trong hành trình 5 năm, đó chính là những người dân ở Quảng Ngãi đã đến nơi hiến máu từ sáng sớm. Mọi người rất thân thiện, tự chia sẻ, hướng dẫn với nhau để đi hiến máu. Có nhiều người đã 61, 62 tuổi vẫn đến hỏi đăng ký để được hiến máu, khi nghe bác sĩ tư vấn nói đã quá độ tuổi vẫn cố nán lại để hỏi lại thêm lần nữa”. |
Còn sức khỏe, còn hiến máu
Để tham gia HMTN, những người nông dân U60 phải gác lại công việc của mình, nhưng họ vẫn không ngại vượt đường xa, tranh thủ đi thật sớm. “Có những lần đi hiến máu, số lượng người quá đông, chờ hơn 12 giờ trưa mà chưa đến lượt. Sau lần đó, chúng tôi rút kinh nghiệm, hiến máu là phải đi thật sớm. Cho nên, mới 5 giờ sáng, mọi người đã í ới, rủ nhau cùng đi”, ông Yến cười kể. Lần mới nhất, ông Yến tham gia hiến máu trong chương trình "Hành trình đỏ" do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức.
Còn đối với thầy giáo Lê Hữu Ngạn (sinh năm 1961), giáo viên môn Sử - Giáo dục công dân (Trường THPT số 1 Đức Phổ), trong câu chuyện với đồng nghiệp, bài giảng với học trò, ông hay kể về ý nghĩa của việc HMTN. Tóc bạc, tuổi đã cao, thầy giáo Ngạn là gương điển hình, tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo ở huyện Đức Phổ. “Hiến máu không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là vinh dự cho bản thân. Bởi ai cũng biết, người có sức khỏe đảm bảo mới được hiến máu.
Ở độ tuổi trên 50, nhiều người hay bị huyết áp cao, nên để được hiến máu, tôi phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Có lần, tôi đi hiến máu, sau khi khám sàng lọc, nhân viên y tế nói tôi không hiến được, vì huyết áp cao. Tôi cảm thấy lạ, vì lúc sáng mới đo huyết áp ở nhà vẫn bình thường. Cô nhân viên y tế nói do tôi mới vận động, đi lại nhiều, nên bảo tôi ngồi nghỉ khoảng nửa tiếng để huyết áp trở lại bình thường. Đó cũng là kinh nghiệm tôi hay chia sẻ cho người khác, trước khi đi hiến máu nên nghỉ ngơi, giữ cơ thể cân bằng và không uống các loại thuốc bổ trước khi đi hiến máu”, ông Ngạn cho biết.
Cứ thế, đối với những người có tấm lòng vì người khác, thì hiến máu cứu người là việc phải làm. Họ vui vì sức khỏe còn đảm bảo, để tiếp tục làm điều tốt. “Theo quy định, người hiến máu độ tuổi từ 18 - 60 tuổi. Vì thế khi nào sức khỏe còn đảm bảo, chúng tôi vẫn tiếp tục tham gia hiến máu và tích cực vận động người khác cùng đồng hành vì nghĩa cử cao quý này”, thầy giáo Ngạn bộc bạch.
Với ông Yến, buổi sáng cùng vợ con, hàng xóm bên chén trà nóng, HMTN là câu chuyện đầy rôm rả, thu hút nhiều người cùng tham gia, bình luận. Những tấm giấy màu đỏ chứng nhận tình nguyện tham gia hiến máu, không chỉ thể hiện số lần đi hiến máu, mà còn là kỷ niệm đẹp giữ lại cho con cháu.
Kịp thời hiến máu cứu người
Nhiều người nể phục ông Phan Lâm Côi, chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Phổ, bởi tấm lòng quan tâm đến người khác. Mang trong mình nhóm máu hiếm AB, ông Côi đã 9 lần hiến máu nhân đạo. Còn danh bạ trong điện thoại, ông lưu tên những người bạn của mình kèm theo nhóm máu, để dễ dàng liên lạc khi cần thiết.
“Trong 9 lần hiến máu, 8 lần tôi tham gia vào phong trào do huyện phát động, còn một lần hiến máu đột xuất. Đó là cách đây hai năm, có thanh niên quê ở xã Phổ Minh không may bị tai nạn tại Bình Sơn, phải chuyển ra Bệnh viện Trung ương Quảng Nam cấp cứu. Vừa nghe tin do UBND xã Phổ Minh báo qua điện thoại, không một phút chần chừ, tôi liền quyết định lên đường. Đến nơi mới biết, có 5 người cùng đi hiến máu, người thì đang làm việc, người thì bận việc gia đình, nhưng họ đều gác công việc, để cứu người.
Sau khi hiến máu xong, nhận thấy hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, nên 5 người chúng tôi đóng góp mỗi người 300 nghìn đồng. Người nhà nhất quyết từ chối, vì nghĩ chúng tôi đã đi đường xa, đến hiến máu, nên không chịu nhận. Chúng tôi thuyết phục mãi, người nhà mới nhận”, ông Côi nhớ lại.
Máu không chỉ là quà tặng vô giá, không thể đong đếm bằng vật chất, mà còn là niềm hy vọng đối với bệnh nhân và người nhà. Mỗi giờ, có hàng nghìn bệnh nhân đang giành giật sự sống. Từ những giọt máu nhân đạo, ý nghĩa của những tấm lòng vì cộng đồng đã cứu sống biết bao người. Nhưng ông Yến, thầy giáo Ngạn và ông Côi vẫn nói rằng, việc làm của mình chỉ đơn giản, bình thường, xuất phát từ tấm lòng, trách nhiệm với xã hội mà bản thân có thể đóng góp.
Phong trào hiến máu ngày càng lan tỏa mạnh mẽ từ sức trẻ thanh niên đến những người trung niên, không phân biệt thành phần, nghề nghiệp. “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những trái tim thiện nguyện trong công tác hiến máu nhân đạo đã tôn lên truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc.
Bài, ảnh: BẢO HÒA
-------------------
Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”