(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có nhiều di tích, thắng cảnh, làng nghề truyền thống, món ăn nổi tiếng. Đây là tiềm năng, thế mạnh để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, hiện ở tỉnh ta chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng, miền.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong chuyến du lịch Lý Sơn mới đây, chị Bùi Thu Hằng, ở TP.Quảng Ngãi chia sẻ: Đến Lý Sơn khá nhiều lần, nhưng lần nào mình cũng thích thời khắc bình minh lên và lúc hoàng hôn xuống trên biển, trên những cánh đồng tỏi. Đến Lý Sơn mình không chỉ ngắm cảnh đẹp mà còn được trải nghiệm cùng nông dân về cách chăm sóc, thu hoạch tỏi. “Người dân nhiệt tình hướng dẫn cách nhận biết độ chín của từng bụi tỏi.
Trong quá trình thu hoạch được trò chuyện với người dân, mình hiểu hơn về kỹ thuật trồng, sự chuyên cần để cho ra sản phẩm tỏi có hương vị đặc trưng của đất đảo. Cầm những bó tỏi tự tay mình thu hoạch, cột gọn gàng rồi mình mua luôn thấy thích lắm”, chị Hằng bày tỏ.
Du khách trải nghiệm cách thu hoạch tỏi ở Lý Sơn. |
Trong những năm qua, Lý Sơn đã xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng thông qua loại hình dịch vụ homestay. Du khách đến đây được trải nghiệm về nét văn hóa, tập tục sinh hoạt của người dân trên đảo; cách chế biến món ăn, cách trồng tỏi, trồng hành... Nhờ có các sản phẩm du lịch đặc trưng đã giúp cho Lý Sơn ngày càng thu hút khách. Trong 3 tháng đầu năm 2018 có khoảng 22 nghìn lượt khách đến Lý Sơn tham quan.
“Ngành du lịch luôn chú trọng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Quảng Ngãi, tạo sinh kế bền vững cho dân trong vùng du lịch”. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA |
Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách đến các điểm du lịch Gành Yến (Bình Sơn), Thác Trắng (Minh Long); các bãi biển Mỹ Khê (TP. Quảng Ngãi), Đức Minh (Mộ Đức), Sa Huỳnh (Đức Phổ); hay du lịch về nguồn đến Di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng... tăng đáng kể. Toàn tỉnh có khoảng 200 nghìn lượt khách đến tham quan, tăng hơn 5% so với cùng kỳ.
Có kết quả này là nhờ trong những năm qua, Sở VH-TT&DL đã xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng vùng, miền, như sản phẩm du lịch biển, đảo gắn liền với việc giới thiệu cho du khách tìm hiểu trầm tích núi lửa hàng nghìn năm ở Lý Sơn; du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc Hrê kết hợp với du lịch về nguồn Ba Tơ; du lịch sinh thái ở suối Chí, du lịch miệt vườn ở Nghĩa Hành...
Trên cơ sở này, nhiều công ty lữ hành đã bắt nhịp nhu cầu thị trường, tung ra nhiều gói sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch Hoa Muống Biển Lê Ngọc Tín cho hay: Công ty đã thực hiện hiệu quả các sản phẩm du lịch như: “Một ngày làm nông dân”, “Theo dấu chân Anh hùng”, “Thăm quan miệt vườn Nghĩa Hành”... Ngoài ra, công ty còn phục vụ du khách các gói sản phẩm du lịch về làng gốm Mỹ Thiện, làng bích họa Gành Yến...
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch trong tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Đức Phổ Trương Thị Hương cho hay. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như Văn hóa Sa Huỳnh, Khu di tích Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thắng cảnh "Liên trì dục nguyệt"... nhưng hiện chưa được đầu tư khai thác hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, ngành du lịch đã phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Đối với sản phẩm du lịch miệt vườn, sẽ phối hợp với địa phương tập huấn cho hộ nông dân trồng các loại cây ăn trái, cách giới thiệu cho du khách hiểu về các loại cây trái của địa phương.
Với sản phẩm du lịch làng bích họa Gành Yến, hướng dẫn cho địa phương cách sắp xếp, bố trí những hộ gia đình có tranh bích họa mua sắm thêm phương tiện để du khách tự mình vẽ những điều mình trải nghiệm. Đối với sản phẩm du lịch cộng đồng Lý Sơn, ngành sẽ giúp địa phương hướng dẫn du khách cách trồng tỏi, hành, cách làm bánh ít, chả cá truyền thống, hay trồng cây bàng vuông...
Bài, ảnh: MAI HẠ